Ngày 8-10, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này sẽ áp dụng “các biện pháp chống bán phá giá tạm thời” đối với rượu mạnh (brandy) nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh các phát hiện sơ bộ từ Bắc Kinh cho thấy sản phẩm này đang bị bán phá giá trên thị trường, theo Thời báo Hoàn Cầu.
Bắt đầu từ thứ sáu (11-10), các nhà nhập khẩu sẽ phải nộp một “khoản bảo lãnh tương ứng” cho hải quan Trung Quốc khi nhập khẩu các sản phẩm rượu mạnh có nguồn gốc từ EU.
Số tiền này sẽ dựa trên các tính toán liên quan đến giá cả được hải quan chấp thuận cũng như thuế nhập khẩu.
Hôm 29-8, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng rượu mạnh từ EU đang bị bán phá giá, gây ra mối đe dọa đáng kể cho ngành công nghiệp rượu mạnh trong nước của Trung Quốc.
Theo Hãng tin AFP, Trung Quốc và EU là đối tác kinh tế lớn của nhau, nhưng đã bất đồng quan điểm trong những tháng gần đây về các khoản trợ cấp to lớn của Trung Quốc dành cho các ngành công nghiệp trong nước.
EU lập luận sự hỗ trợ như thế này phá hoại nguyên tắc cạnh tranh tự do và góp phần giảm giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc, làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc và tố EU bảo hộ thương mại.
Năm nay, Trung Quốc đã mở cuộc điều tra về rượu mạnh của EU, vài tháng sau khi khối này mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc.
Ngày 8-10, EU tuyên bố sẽ tìm cách phản đối biện pháp mới do Bắc Kinh công bố. Biện pháp này ảnh hưởng tới rượu mạnh nhập khẩu từ EU, trong đó có các thương hiệu của Pháp như Hennessy và Remy Martin.
“Ủy ban châu Âu sẽ phản đối tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU” – người phát ngôn thương mại của Ủy ban châu Âu (EC) Olof Gill nói.