Chăn nuôi gia cầm theo phương pháp đảm bảo phúc lợi cho vật nuôi đang trở thành xu hướng những năm gần đây, khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm. Dự án Farm Champion của Thái Lan là một mô hình như thế.
Nhằm nâng cao tiêu chuẩn chăn nuôi gà, Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (WAP) Thái Lan đã hợp tác với Trường công nghệ và đổi mới chăn nuôi thuộc Đại học Công nghệ Suranaree (SUT) khởi động dự án nói trên.
Lấy vật nuôi làm trung tâm
Dự án Farm Champion cung cấp hơn 1.000 con gà korat (giống gà lai tạo giữa nguồn nhập khẩu và gà bản địa Thái Lan) cho 11 trang trại trên khắp sáu tỉnh thành của Thái Lan, nhằm khuyến khích những trang trại quy mô nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi phúc lợi cao, theo báo Bangkok Post.
Đại diện của WAP Thái Lan, bà Paew Pirom, chia sẻ rằng mô hình chăn nuôi gà công nghiệp đã gây ra đau đớn cho hàng tỉ con gà mỗi năm tại Thái Lan. Vì vậy, dự án Farm Champion được khởi xướng với mục tiêu cải thiện tình trạng này, hướng tới việc chăn nuôi theo tiêu chuẩn đạo đức, đảm bảo phúc lợi cho động vật và phát triển bền vững trong sản xuất thực phẩm.
Theo bà Paew Pirom, phúc lợi động vật có nghĩa là tôn trọng và biết ơn vật nuôi. Hầu hết mọi người không quan tâm đến điều kiện sống của những loài vật mà họ tiêu thụ hằng ngày, tuy nhiên phúc lợi động vật có liên quan mật thiết đến chất lượng thực phẩm.
“Farm Champion là dự án lấy vật nuôi làm trung tâm, từ đó nâng cao hoạt động chăn nuôi gà tại Thái Lan. Rất khó để thay đổi mô hình chăn nuôi truyền thống, vì vậy WAP đang từng bước khuyến khích các hộ nông dân nhỏ áp dụng phương pháp nuôi gà phúc lợi cao”, bà Paew Pirom cho biết.
Tại các trang trại lớn, gà có không gian sống chật hẹp chỉ bằng một tờ giấy A4 và hiếm khi được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Không chỉ vậy, những con gà bị bệnh không được cách ly và dùng thuốc đặc trị. Thay vào đó, người nông dân thường trộn kháng sinh vào thức ăn cho cả đàn, để lại dư lượng kháng sinh trong thịt và tăng nguy cơ kháng thuốc ở người.
Ngược lại, dự án Farm Champion không sử dụng kháng sinh và hóa chất. Gà thuộc dự án này có thể sống tự nhiên và hưởng các phúc lợi như môi trường sạch sẽ. Ngoài ra, toàn bộ quy trình chăn nuôi sẽ được theo dõi từ những ngày đầu tiên cho đến khi lấy thịt.
Điều đáng ngạc nhiên là chi phí xây dựng trang trại gà theo tiêu chuẩn Farm Champion chỉ khoảng 3.000 USD, trong khi chi phí đầu tư vào các trang trại chăn nuôi truyền thống dao động từ 30.000 – 300.000 USD.
Nâng cao phúc lợi cho gà
Nhằm đáp ứng được tiêu chuẩn về đạo đức trong chăn nuôi, một dự án có tên Kurofuji Farm ở tỉnh Yamanashi (Nhật Bản) đã bắt đầu nuôi gà không dùng chuồng, với khoảng 3-4 con gà/m², nhằm tạo môi trường sống thoải mái cho chúng, theo báo Japan News.
Điều này khác hẳn so với quy mô nuôi gà thông thường trong hầu hết các trang trại tại Nhật, nơi gà bị nhốt trong chuồng gần như toàn thời gian với mật độ khoảng 20 con/m². Tuy phương pháp này có thể đem lại hiệu quả cao hơn về kinh tế nhưng lại không đảm bảo phúc lợi cho gia cầm.
“Ngay cả khi doanh số thấp hơn so với gà nuôi trong chuồng, chúng tôi vẫn muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những con gà và đảm bảo chúng được sống trong môi trường ít căng thẳng nhất có thể” – đại diện Kurofuji Farm chia sẻ, đồng thời cho biết dự án này đã hỗ trợ ít nhất 10 trang trại trên khắp Nhật Bản thay đổi cách chăn nuôi từ năm 2019.
Trong khi đó, Bostock Brothers – trang trại gà hữu cơ thả vườn duy nhất ở New Zealand – lại nổi tiếng với quy trình chăn nuôi hữu cơ 100%. Chủ Bostock Brothers đích thân thực hiện tất cả các khâu từ chế biến thức ăn cho gà, chế biến gà đến tiếp thị và bán ra thị trường, theo trang thông tin đại diện cho các doanh nghiệp sáng tạo New Zealand Idealog.
Được truyền cảm hứng từ niềm đam mê thực phẩm hữu cơ của gia đình, anh em nhà Bostock đã bắt tay xây dựng trang trại chăn nuôi gà hữu cơ 100%. Mọi thứ tại đây đều là đồ hữu cơ, từ ngũ cốc đến thức ăn cho gà. Đây cũng là trang trại gà duy nhất ở New Zealand không sử dụng kháng sinh.
Điểm khác biệt của Bostock Brothers so với các cơ sở chăn nuôi công nghiệp khác ở xứ sở kiwi là quy mô đàn nhỏ hơn nhưng không gian cho gà hoạt động lại rộng hơn. Ngoài ra, trang trại này cũng theo dõi lượng carbon thường xuyên với mục tiêu trở thành doanh nghiệp không phát thải carbon.
Những điều khác biệt khi nuôi gà theo mô hình bền vững
Sau khi tham gia dự án Farm Champion, một số chủ trang trại nhận thấy những điểm khác lạ từ đàn gà mà họ chưa từng chứng kiến trước đây.
Họ chia sẻ rằng khác với việc nuôi gà trong các trang trại công nghiệp, đàn gà trong dự án tỏ ra thích thú khi chờ mở cổng để ra ngoài tự do bới đất và tìm kiếm thức ăn. Một số con thích ở trong chuồng, trong khi những con khác lại thoải mái tắm nắng, nhảy nhót trên khúc gỗ hoặc thư giãn dưới bóng cây.