Hai thành phố lớn nhất nước cũng đã có đề án chuyển đổi phương tiện công cộng từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang điện với mốc thời gian 2030 – 2035 có 100% xe buýt điện.
Tuy vậy quá trình chuyển đổi này được dự báo đối mặt với nhiều vấn đề như: quy hoạch trạm sạc, cơ chế trợ giá, chính sách hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi…
Buýt điện hiện đại nhưng chưa nhiều
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho biết thông tin quan trắc cũng như phản ánh trên báo chí mấy năm nay ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc ô nhiễm không khí rất đáng báo động. Ngay mùa thu mà không khí vẫn bị ô nhiễm, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người.
Ngoài phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) thì còn các nguồn thải khác như xây dựng, vận chuyển vật liệu xây dựng, đốt rơm rạ, ống khói khu công nghiệp, làng nghề… Cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó đánh giá nguyên nhân một cách chính xác, đưa ra giải pháp xử lý từng loại nguyên nhân, nguồn thải gây ô nhiễm không khí.
Theo bà An, phương tiện giao thông chạy nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguồn thải gây ô nhiễm không khí rất nặng nề ở đô thị – nơi có mật độ xe cộ cao. Đối với những thành phố lớn như Hà Nội trong những năm qua đã có những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm do phương tiện giao thông gây ra. Ví dụ thí điểm một số chương trình như thay xe máy cũ bằng xe mới có hỗ trợ một phần tiền hay dịch vụ xe đạp đô thị…
Tuy nhiên theo bà An, có thể thấy dù đã có nhiều chính sách, giải pháp nhưng đến nay xe buýt điện chiếm tỉ lệ chưa cao. Các điểm đỗ dành cho xe buýt điện chưa thực sự thuận lợi làm cho các phương tiện công cộng chưa hấp dẫn như mong muốn.
Hà Nội đang chuẩn bị tiềm lực tạo ra cơ sở hạ tầng cho các phương tiện công cộng như đầu tư bến xe, đường xương cá, kết nối các quận, huyện và các vùng. Hy vọng những năm tới mong ước của Hà Nội sẽ giảm phát thải, ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông sẽ dần cải thiện như mong ước của người dân.
Tại TP.HCM xe buýt điện được Công ty TNHH vận tải sinh thái Vinbus – chi nhánh TP.HCM thuộc Tập đoàn Vingroup vận hành thí điểm tuyến có trợ giá đầu tiên (tuyến D4) vào năm 2022.
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, kể từ khi đi vào hoạt động, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tuyến xe buýt điện D4 đã mang lại những tín hiệu tích cực như: khối lượng vận chuyển của tuyến tăng dần, có nhiều ý kiến khen ngợi, đánh giá tốt về chất lượng dịch vụ, phương tiện hiện đại, không phát thải.
Tuy nhiên do nhiều vấn đề đến nay việc mở rộng thêm nhiều tuyến buýt điện tại TP.HCM chưa thể thực hiện được. Một dấu hiệu tích cực khác, không chỉ sự xuất hiện của buýt điện mà hiện nay, đi trên các tuyến đường tại TP.HCM dễ dàng bắt gặp các ô tô công nghệ chạy điện chở khách ngày càng nhiều.
Gấp rút xây dựng các cơ chế hỗ trợ xe điện
Quay trở lại câu chuyện buýt điện tại TP.HCM, dù có những đánh giá tích cực nhưng cũng có không ít vấn đề đang đối mặt khiến việc triển khai mở rộng chưa thực hiện được. Vì vậy, đề án chuyển đổi 100% xe buýt sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện vào năm 2030 tại TP.HCM và vào năm 2035 tại Hà Nội sẽ không hề dễ dàng.
Một trong những lý do khiến buýt điện chưa mở rộng là suất đầu tư một buýt điện cao hơn nhiều so với buýt khác. Trong khi đó, tỉ lệ trợ giá cho tuyến xe buýt điện hiện nay ở TP.HCM được cho là còn thấp (khoảng 44,1%), chỉ bằng khoảng 2/3 so với tỉ lệ trợ giá của tuyến xe buýt sử dụng diesel, CNG (mức 66,4%).
Một vấn đề khác khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại là câu chuyện trạm sạc bởi hiện nay chưa có quy hoạch về trạm sạc. Trạm sạc này phải được quy hoạch đầu tư và phân bố hợp lý mới đáp ứng nhu cầu phát triển xe điện trong tương lai…
Điều đáng mừng là các nội dung đề cập trên, các bộ ngành trung ương đã nhìn thấy và có nhiều cuộc họp bàn hướng giải quyết. Cụ thể tại cuộc họp về triển khai chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc xe điện mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết sẽ lồng ghép nội dung trạm/trụ sạc điện vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn. Dự kiến cơ quan chức năng sẽ trình cấp thẩm quyền ban hành trước năm 2026.
Cũng tại cuộc họp trên, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương để rà soát, đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện giao thông dùng điện, nhiên liệu xanh, đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người sử dụng. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trạm/trụ sạc điện về đất đai, quy hoạch, thuế, phí…
Đề cập thêm vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng để Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang xe điện cần kêu gọi xã hội hóa. Tuy nhiên phải hấp dẫn nhà đầu tư, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân, Nhà nước. Bên cạnh đó có những chính sách cùng tháo gỡ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông và có lợi nhuận.
“Ví dụ như tín dụng thế nào và cho vay, tạo điều kiện về thuế ra sao? Giai đoạn đầu khi doanh nghiệp tham gia xã hội hóa nhiều khi sẽ lỗ thì nên có chính sách tạo điều kiện bằng thuế. Tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư có lợi nhuận, tồn tại và phát triển”, bà An nói.
Phát triển giao thông xanh chính là xu thế nên bà An cho rằng cần có lộ trình để cùng “bắt tay” nhau thực hiện. Với cam kết của Thủ tướng tại COP26 đến năm 2050 Việt Nam phải giảm phát thải ròng bằng 0, vậy nên phát triển xanh, kinh tế xanh, giao thông xanh… là xu thế tất yếu.
Phát triển xanh sẽ góp phần giảm phát thải, tạo điều kiện để đất nước phát triển bền vững, chất lượng môi trường nâng cao, an sinh tốt hơn, nó là lợi kép. Tuy nhiên phát triển kinh tế xanh, giao thông xanh không dễ vì phải thay đổi cả thói quen, tư duy, công nghệ. Chuyển đổi sang xe điện không dễ nhưng quyết tâm sẽ làm được.
* Ông NGÔ HẢI ĐƯỜNG (trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM):
Nhiều hỗ trợ chuyển đổi buýt điện, năng lượng xanh ở TP.HCM
Sở đã nghiên cứu, đưa ra nhiều phương án tối ưu để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi buýt xanh. Trong đó hỗ trợ mức vay tối đa 85% tổng mức đầu tư của dự án cũng như hỗ trợ lãi suất tối đa 300 tỉ đồng/dự án. Bên cạnh đó, mức lãi suất vay cố định 3% trong suốt thời gian vay, ngân sách thành phố hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức lãi suất để tính mức hỗ trợ và lãi suất vay cố định.
Đối với chính sách đầu tư trạm sạc, các đơn vị được vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất. Mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 200 tỉ đồng/dự án… Đặc biệt, để khuyến khích doanh nghiệp, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh với thời gian 10 năm nhằm giảm đơn giá chi phí dịch vụ vận tải hành khách công cộng, từ đó giảm mức trợ giá hằng năm từ ngân sách TP.HCM…
* TS LÊ ĐĂNG DOANH (chuyên gia kinh tế):
Cơ chế trợ giá buýt điện phải hấp dẫn nhà đầu tư
Trước hết muốn tăng thêm xe buýt điện, Nhà nước cần tính đến phương án bù giá, trợ giá cho xe buýt điện, tạo cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư. Làm cho mạng lưới xe buýt điện ngày một thuận lợi, dày đặc. Và có chính sách giúp sinh viên, công nhân, dân công sở… sử dụng nhiều hơn.
Cần có hình thức khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư, nên sử dụng hình thức PPP (đối tác công tư) liên kết để thực hiện. Thu hút đầu tư, thu hút tiêu dùng và có các chiến dịch vận động đi xe buýt điện, khuyến khích người dân đi lại hằng ngày…