Lan tỏa bản sắc ẩm thực Việt
“Là một doanh nghiệp Việt, chúng tôi tự hào sản phẩm Việt được cộng đồng quốc tế đón nhận. Chiến lược ra biển lớn của Tập đoàn Masan là tập trung phát triển các sản phẩm thiết yếu, kế thừa được văn hóa ẩm thực Việt hướng tới các sản phẩm đậm bản sắc Việt Nam như nước mắm, tương ớt và các sản phẩm thực phẩm khác nữa.
Chúng tôi tự tin sẽ lan tỏa ẩm thực Việt ra thế giới thành công”, ông Michael Hung Nguyen chia sẻ về kế hoạch vươn ra thị trường quốc tế của Masan.
Sau hơn 28 năm ra đời và phát triển, tập đoàn Masan đã gây dựng thành công các thương hiệu mạnh có doanh thu hàng năm từ 150 – 250 triệu USD. Cụ thể, theo thông tin doanh nghiệp công bố, các nhãn hàng CHIN-SU, Nam Ngư, Omachi, Kokomi và Wake-Up 247 đóng góp 80% doanh thu của công ty tại thị trường nội địa trong 7 năm qua, hơn 98% hộ gia đình Việt đang sở hữu ít nhất một sản phẩm của tập đoàn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đang có những bước đi đầy tự tin đi ra thế giới, trở thành “đại sứ ẩm thực Việt Nam” với phương châm “Mỗi gia đình Việt Nam, mọi sản phẩm tập đoàn. Mỗi gia đình thế giới, ít nhất một sản phẩm tập đoàn“.
Trong đó, thương hiệu CHIN-SU này đã tiên phong mở đường, trở thành thương hiệu tỉ đô bằng cách cao cấp hóa thương hiệu, phục vụ hơn 65% lượng tiêu thụ nước mắm của Việt Nam. Kể từ năm 2007, CHIN-SU luôn được đầu tư, nâng cao chất lượng nước mắm bằng cách cải tiến hương vị và bao bì, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển thành danh mục gia vị cao cấp và toàn diện.
CHIN-SU đã mang về những thành quả đầu tiên trong hành trình “Go Global” – mang ẩm thực Việt Nam ra thế giới, hướng tới 8 tỉ người tiêu dùng toàn cầu với việc đạt vị trí top 1 trên sàn thương mại điện tử Coupang của Hàn Quốc, vị trí top 8 trên Amazon vào năm 2023.
Thu hút nhân tài toàn cầu
Lãnh đạo tập đoàn xem nguồn nhân lực là tài sản, là ưu thế cạnh tranh lớn nhất giúp công ty thực hiện các chiến lược và tạo ra giá trị tối đa cho người tiêu dùng và cổ đông.
“Tìm được nhân tài là điều khó nhất. Chúng tôi luôn muốn tìm kiếm người phù hợp tại các vị trí của tập đoàn và chào đón cả nhân sự trong nước và quốc tế tới làm việc. Với định vị là một công ty tiêu dùng và bán lẻ toàn cầu, để thấu hiểu được con người ở nhiều nơi và nhu cầu của họ là rất cần thiết.
Chúng tôi luôn cố gắng để nhân sự khi đến công ty cũng tìm thấy sự ấm cúng cũng như họ đang ở nhà”, ông Michael Hung Nguyen chia sẻ về cách tập đoàn thực thi chiến lược nhân sự để vươn ra biển lớn, phục vụ người tiêu dùng Việt Nam và thế giới.
Theo ông, những nhân sự với năng lực chuyên môn trong công tác đổi mới, sáng tạo sản phẩm, ứng dụng công nghệ để thấu hiểu người tiêu dùng cũng như nhu cầu của họ ở khắp các thị trường mục tiêu của tập đoàn, sẽ là một trong những điều kiện tối quan trọng để giúp doanh nghiệp này triển khai chiến lược “Go Global” một cách hiệu quả.
Để nâng tầm đội ngũ nhân lực của mình, trong năm 2023, tập đoàn đã ra mắt Trung tâm Đào tạo và phát triển nhân tài (Growth Center) để từng bước chuyên nghiệp hóa và đa dạng hóa các chương trình đào tạo và phát triển nội bộ. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Growth Center đã tổ chức 1.705 lớp học xuyên suốt Tập đoàn Masan và các công ty thành viên với hơn 33.214 lượt nhân viên tham gia đào tạo, tỉ lệ hài lòng đạt 4,65/5 điểm (93%).
Năm 2024, tập đoàn lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu trong khoảng 84.000 – 90.000 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến từ 2.250 – 4.020 tỉ đồng, tăng 31% – 115% so với kết quả thực hiện năm 2023. Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo Tập đoàn Masan, lợi nhuận quý II của doanh nghiệp dự báo sẽ tốt hơn nhiều so với quý I vừa qua.