Sáng 10-8, tại buổi làm việc của đoàn công tác Thủ tướng Phạm Minh Chính và TP.HCM về kinh tế – xã hội và nghị quyết 98, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên – phó ban thường trực Ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết 98 – đã nêu ra những hạn chế lớn khiến việc triển khai nghị quyết 98 chưa được như mong đợi.
Ông Nên đánh giá thời gian qua, TP.HCM và các bộ ngành đã chủ động, linh hoạt và trách nhiệm cao hơn trong thực hiện nghị quyết 98. Nhiều cơ chế chính sách vượt trội đã được ban hành, đi vào cuộc sống. Cải cách hành chính, chuyển đổi và tổ chức bộ máy đã hình thành. Các đơn vị ra đời từ nghị quyết 98 đã đi vào hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó có việc phân cấp ủy quyền cho TP.HCM với tinh thần “phân cấp tối đa” nhưng thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc.
Ông Nên cho rằng cơ chế Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm trưởng Ban chỉ đạo cơ chế chính sách đặc thù của một địa phương làm cơ chế đặc thù, nói lên được tinh thần trách nhiệm và quyết liệt hành động của Chính phủ. Nhiệm vụ của Thủ tướng không phải trực tiếp triển khai thực hiện nghị quyết 98 mà để phát hiện những vấn đề, nhu cầu đòi hỏi từ thực tiễn để có kết luận chỉ đạo thực hiện.
“Tuy nhiên, thay vì khi Thủ tướng chỉ đạo, các bộ ngành và TP phải nhanh chóng thực hiện thủ tục pháp lý đảm bảo thực hiện thì chúng ta cứ luẩn quẩn đi đối chiếu với pháp luật hiện hành để đảm bảo tính an toàn cho số cơ quan, số bộ ngành”, ông Nên nói và cho rằng đây là nguyên nhân của sự chậm trễ, của việc phân cấp chưa tối đa khiến nhiều vấn đề kéo dài.
Ông Nên đề nghị cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp hành động và phát huy cơ chế trưởng Ban chỉ đạo với tinh thần “Thủ tướng đến đây để nhìn rõ hơn, nhận diện rõ hơn những nhu cầu, đòi hỏi của cuộc sống. Bộ Chính trị đã nhìn thấy điều này khi ban hành nghị quyết 31 và kết luận 14”.
Ngoài ra, ông cho rằng việc cải cách hành chính, chuyển đổi số còn hạn chế, còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Nhân lực thực thi nhiệm vụ tại TP.HCM và số bộ ngành đang quá tải, chịu nhiều áp lực, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ông đề nghị Ban chỉ đạo nghị quyết 98 và Thủ tướng Chính phủ có kết luận theo tinh thần TP.HCM và các bộ ngành tiếp tục đưa ra những vướng mắc tồn tại, hạn chế để đề nghị Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ.
Sau đó Chính phủ nghiên cứu ban hành quyết định đủ mạnh để tháo gỡ toàn bộ những việc thuộc thẩm quyền. Việc gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Quốc hội, Bộ Chính trị chỉ đạo. TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp các bộ ngành để thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Theo ông, Bộ Chính trị đã chọn TP.HCM là nơi thí điểm nhiều cơ chế, chính sách mới để nhân rộng cho cả nước, cần nỗ lực thực hiện trên tinh thần phát huy kết luận 14 bảo vệ, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
“TP.HCM chờ kết luận đủ mạnh từ Thủ tướng để chúng tôi thực hiện hiệu quả nghị quyết 98”, ông nói.
Kiến nghị giao TP.HCM sớm trình đề án cảng Cần Giờ trong năm 2024
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đến nay các bộ ngành đã hoàn thành 8/18 nhiệm vụ nghị quyết 98.
Đáng chú ý là ban hành nghị định về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho chính quyền TP và quyết định điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, bổ sung quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Ngoài ra các bộ ngành đã và đang nghiên cứu, phối hợp triển khai 10 dự án, nhiệm vụ lớn, trong đó có các đề án phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, trung tâm tài chính quốc tế tại TP, phát triển đường sắt đô thị TP…
Về phía TP.HCM, đến nay đã thông qua 35 nghị quyết của HĐND, 33 quyết định của UBND TP và đã hoàn thành 10/25 nhiệm vụ.
Dù vậy theo ông Dũng, một số nhiệm vụ các bộ ngành còn phối hợp, triển khai chậm, các ý kiến tham gia chưa rõ, chưa kịp thời. Mặt khác có một số nhiệm vụ tại nghị quyết 98 lại được các bộ ngành nghiên cứu, áp dụng cho cả nước nên cần thêm thời gian.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng giao cho các bộ ngành tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn TP triển khai các nhiệm vụ đúng thời gian, bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục.
Giao UBND TP tiếp tục hoàn thiện chính sách nhà đầu tư chiến lược, triển khai cơ chế, định chế tài chính đầu tư (quỹ đầu tư tài chính địa phương), triển khai nội dung tín chỉ cacbon, các dự án TOD, phấn đấu sớm trình Thủ tướng phê duyệt đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong năm nay.
Giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện đề án trung tâm tài chính quốc tế, trong đó nghiên cứu các cơ chế chính sách vượt trội, tiếp cận được các mô hình đã thành công trên thế giới báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 11-2024.