Thời gian đầu tháng 8 không chỉ được ghi nhận là một lựa chọn hiệu quả cho Ukraine thực hiện các phương án tác chiến vượt qua các khu vực đầm lầy ở biên giới với Nga, mà còn giúp tạo ra cú hích trên bàn đàm phán tiềm năng giữa Nga – Ukraine.
Ba mũi tiến công của Ukraine
Trong trường hợp quân Ukraine khống chế được “át chủ bài” là các cơ sở chiến lược trong mạng lưới năng lượng chủ lực của Matxcơva nằm trên địa phận tỉnh Kursk giáp biên với tỉnh Sumy của Ukraine, bàn đàm phán sắp tới chắc chắn sẽ trở nên cân bằng hơn.
Phải đến ngày 8-8, dù không trực tiếp nói về các hoạt động leo thang giao tranh ở hai khu vực Kursk và Belgorod song Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: “Nga đã mang chiến tranh đến đất nước của chúng tôi và họ phải nếm mùi chính những gì họ đã làm”. Các cố vấn của ông Zelensky tỏ ý tình hình ở Kursk buộc phía Nga phải tăng cường lực lượng đến đây nhằm phân tán năng lực tấn công của Nga ở khu vực Donbass.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong ba nhóm mục tiêu điều hướng tổng thể của Ukraine. Đầu tiên là nhóm mục tiêu tạo chuyển biến trên thực địa của Ukraine được triển khai dựa trên ba mũi tiến công ở thị trấn Sudzha (khu vực Kursk), khu định cư New York (vùng Donetsk) và bãi cạn Tendra Spit (khu vực Kherson).
Trong đó, bằng mũi đột kích nhằm chiếm giữ các vị trí nằm sâu từ 10, 25 đến 35km trong lãnh thổ thuộc tỉnh Kursk của Nga, phía Ukraine hiện đã tận dụng “điểm yếu” phòng thủ có mật độ nhân lực mỏng hơn của Nga để khống chế trạm khí đốt của Nga. Đây là trạm khí đốt duy nhất vận chuyển khí đốt tự nhiên ở Sudzha của Nga đến châu Âu bằng đường ống Urengoy-Pomary-Uzhhorod có quá cảnh lãnh thổ Ukraine.
Không chỉ vậy, tuyến thọc sâu tăng cường từ Sudzha đang có khả năng uy hiếp Nhà máy điện hạt nhân Kursk (cách biên giới Ukraine chỉ có 110km) – một trong ba nhà máy điện hạt nhân lớn nhất trong Mạng lưới Năng lượng thống nhất của Nga. Do đó, mũi tiến công Kursk của Ukraine dường như đã thành công điều hướng quân Nga phải di chuyển một lực lượng đáng kể để bổ sung vành đai phòng thủ xung quanh nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất thế giới của họ.
Tính bất ngờ của mũi tiến công Kursk vì vậy đã tạo tiền đề quan trọng cho hai mũi tiến công của Ukraine có đà tiến công hiệu quả ở một số khu vực đang do Nga kiểm soát trên bộ thuộc vùng Donetsk lẫn ven bờ Biển Đen khi đổ bộ lên bãi cạn Tendra Spit (ngày 7-8) và Kinburn Spit (ngày 9-8) giáp vùng Kherson.
Nga đáp trả
Đứng trước thế trận đa mục tiêu của Ukraine nhằm “đảo ngược câu chuyện” về chiến thắng tất yếu của Điện Kremlin, quân đội Nga đã nhanh chóng triển khai các hoạt động đáp trả đồng bộ trên cả ba mặt trận.
Trong đó, đòn tấn công tầm xa bằng tên lửa Iskander vào rạng sáng 7-8 đã phá hủy sở chỉ huy của Ukraine ở tỉnh Kharkov, bao gồm các tướng lĩnh Ukraine chịu trách nhiệm triển khai mũi đột kích vào Sudzha trên thực địa.
Bên cạnh đó, Nga vừa tăng cường không kích quy mô lớn vào tỉnh Sumy (Ukraine) nhằm đối trọng với hoạt động kết hợp không kích lẫn pháo kích của Ukraine vào tỉnh Belgogrod (Nga), vừa triển khai 56 đợt tấn công đồng loạt trên toàn tuyến giao tranh hiện tại chỉ trong ngày 8-8 nhằm “điều hướng ngược” quân Ukraine ra khỏi lãnh thổ Nga để về tăng cường các tuyến phòng thủ.
Theo nhận định của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ, trong mũi đột kích ở Kursk, Ukraine liên tục né tránh các căn cứ quân sự của Nga và không nỗ lực kiểm soát vùng chiếm đóng. Thay vào đó, Ukraine chỉ tăng tốc tiến công vào nhóm cơ sở năng lượng chiến lược của Nga, được Kiev xem là con “át chủ bài” trên bàn đám phán với Matxcơva trong tương lai gần.
Vì vậy, Nga vừa báo cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) theo dõi sát tình hình xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Kursk vừa đề nghị triệu tập cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về cuộc tấn công lần này của Ukraine. Nga cũng đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên bang tại Kursk.
Do đó mặc dù chủ trương duy trì một “màn sương dày đặc” về sự tham dự trực tiếp của quân đội Ukraine vào mũi đột kích bất ngờ ở khu vực Kursk, chính quyền Tổng thống Zelensky vẫn đang cho thấy một chuỗi hoạt động tác chiến liên hợp trên nhiều mặt trận nhằm cải thiện vị thế trên bàn đàm phán tiềm năng với Nga.
Các diễn biến phức tạp kéo dài ở khu vực Kursk cùng nỗ lực đáp trả toàn diện của Nga lúc này có vẻ đang càng làm rõ xu hướng “đánh để đàm” từ phía Ukraine, đặc biệt khi chính ông Zelensky ngay trước đó đã xác định sự cần thiết phải gây sức ép lên Nga để đưa chiến tranh đến gần hồi kết hơn.
Phương Tây “không bận tâm”
Ukraine đã thành công khi vận động được sự ủng hộ về “quyền tự vệ của Ukraine” gần như đồng loạt từ các thành viên chủ chốt của cả Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
“Quyền tự vệ của Ukraine” bao gồm cả việc tấn công các mục tiêu quân sự và năng lượng của Nga trên lãnh thổ của Nga, đã được đại diện của EU khẳng định vào ngày 8-8, cùng thời điểm với phát ngôn chính thức từ Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Liên bang Đức Marcus Faber cho thấy ông “không bận tâm” việc Ukraine dùng xe tăng do Đức viện trợ trên lãnh thổ Nga.
Phía Mỹ cũng biểu đạt sự đồng thuận quan điểm với cả Đức và EU, viện dẫn sự phù hợp với sự nới lỏng chính sách của chính quyền Tổng thống Biden dành cho Ukraine từ tháng 5-2024.