Bộ Công Thương vừa có trả lời cử tri về những băn khoăn của hoạt động thương mại điện tử ảnh hưởng đến thương mại truyền thống và nền kinh tế.
Theo cử tri Đồng Nai, các nền tảng bán hàng nước ngoài hiện không kiểm soát được chất lượng hàng hóa, ảnh hưởng kinh doanh thương mại và chợ truyền thống trong nước cũng như của nền kinh tế.
Kinh doanh online không kho hàng, live giá rẻ… không rõ nguồn gốc
Trong khi đó, cử tri Khánh Hòa nêu thực tế là nhiều đối tượng kinh doanh không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt hàng qua online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, giao hàng nhỏ lẻ, hình thức bán hàng live trực tiếp với những lời mời gọi, giá rẻ, chào hàng hấp dẫn.
Tuy nhiên thực tế hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, khó kiểm chứng, cạnh tranh không công bằng, xáo trộn thị trường… gây xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm Luật Quản lý thuế, Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Theo đó, cử tri kiến nghị cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép, tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa. Có giải pháp để tránh xung đột lợi ích giữa chợ truyền thống và thương mại điện tử. Đồng thời xử lý, chấn chỉnh quản lý thị trường để tạo công bằng trong kinh doanh.
Trả lời cử tri, Bộ Công Thương nhìn nhận dù đây là lĩnh vực tiên phong của kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số.
Tuy nhiên thương mại điện tử cũng tồn tại những yếu tố tiêu cực như tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, với xu hướng ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh và quyền, lợi ích của người tiêu dùng.
Vì vậy, để tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, các nền tảng bán hàng nước ngoài và phát triển hài hòa giữa thương mại điện tử, kinh doanh thương mại và chợ truyền thống, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành nghị định 85/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định 52/2013 về thương mại điện tử cùng các quy định liên quan.
Ngoài ra, bộ đã kiểm soát các sàn từ khâu đăng ký; tiến hành hậu kiểm, kiểm tra các sàn định kỳ theo kế hoạch thanh tra, hoặc kiểm tra đột xuất; thường xuyên chủ động rà soát các website yêu cầu gỡ bỏ sản phẩm vi phạm…
Trong đó năm 2023 bộ đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt 12 tỉ đồng với giá trị hàng hóa gần 6 tỉ đồng.
Có 14 văn bản được ban hành yêu cầu các đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử, website, ứng dụng gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm với 23.359 sản phẩm, chặn 6.254 gian hàng vi phạm.
Sẽ sửa nhiều quy định để quản lý người bán cá nhân
Về giải pháp thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành triển khai hiệu quả Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; xin ý kiến để sửa đổi nghị định 98 và nghị định 17, tăng cường chế tài với hành vi vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử.
Tiếp tục sửa đổi các quy định liên quan tới thương mại điện tử như bổ sung các khái niệm mới phù hợp với Luật Giao dịch điện tử năm 2023; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong đó bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân, cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ; phân cấp phân quyền trong quản lý nhà nước với hoạt động này cho địa phương để tăng quản lý, giám sát, giải quyết tranh chấp trực tuyến.
Tăng trách nhiệm chủ sở hữu nền tảng số, nền tảng trung gian, người có ảnh hưởng; xác định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian như logistics, ISP, dịch vụ tiếp thị liên kết; có chính sách quản lý mạng xã hội cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; quy định với tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài với hoạt động thương mại điện tử…
Bộ cũng cho hay sẽ tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng; gỡ bỏ thông tin sản phẩm, hàng hóa vi phạm, đấu tranh xử lý với các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…