Bộ Công Thương: Sẽ chặn cửa các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới vi phạm

Mua sắm online trên Temu – Ảnh: BÉ HIẾU

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Ninh – phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – cho hay sau chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường quản lý với các sàn thương mại điện tử, cục đã có rà soát tổng thể về tác động cũng như đưa ra các giải pháp để quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, 1688, và Shein. 

Việc này nhằm đảm bảo các nền tảng này cần tuân thủ các quy định pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam. 

Bộ đã làm việc với đội ngũ pháp lý các sàn theo quy định

Theo đó, bộ đã liên hệ và làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng xuyên biên giới thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Từ đó yêu cầu các nền tảng này thực hiện các bước đăng ký chính thức và tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, minh bạch thông tin và an toàn dữ liệu. 

Trường hợp các sàn này không thực hiện đầy đủ, bộ sẽ xem xét các biện pháp chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước. 

Theo ông Ninh, việc đăng ký và tuân thủ các yêu cầu tại Việt Nam là điều cần thiết để đảm bảo môi trường thương mại điện tử công bằng, minh bạch và có trách nhiệm.

Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị các nền tảng cần khẩn trương nộp hồ sơ ngay khi bắt đầu cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam, hoặc ngay khi đáp ứng các điều kiện xác định là đang hoạt động tại Việt Nam. Ví dụ, sàn có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ tiếng Việt, hoặc lượng giao dịch từ Việt Nam vượt 100.000 giao dịch/năm. 

“Nếu quá thời hạn mà các sàn vẫn chưa hoàn tất hồ sơ, Bộ Công Thương có thể áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt bằng cách phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, chặn truy cập từ Việt Nam đối với các nền tảng này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia” – ông Ninh khẳng định. 

Nêu lý do các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đã vào Việt Nam, chưa đăng ký nhưng đã hoạt động, ông Ninh cho hay không phải tất cả các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đều thuộc phạm vi điều chỉnh quy định về thương mại điện tử. 

Với các sàn thuộc phạm vi điều chỉnh quy định pháp luật Việt Nam, trước khi hoạt động phải đăng ký. Các sàn phải có quy chế hoạt động công khai, minh bạch, quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xử lý vi phạm. Các sàn phải phối hợp với cơ quan nhà nước để ngăn chặn giao dịch vi phạm.

Sàn thương mại điện tử vi phạm sẽ xem xét ngăn chặn

Trong trường hợp vi phạm, Bộ Công Thương có thể áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt bằng cách phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, chặn truy cập từ Việt Nam đối với các nền tảng này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia.

Về việc cấm hoạt động các sàn này, ông Ninh cho rằng phải cần được xem xét tổng thể, thận trọng. Trong đó cần đánh giá tác động toàn diện, phối hợp cơ quan chức năng khác như công an, thuế, hải quan, và các cơ quan quản lý khác để hiểu rõ về tình hình giao dịch và mức độ vi phạm cũng như tuân thủ pháp luật. 

Hiện Bộ Công Thương đang khuyến cáo người tiêu dùng khi thực hiện mua sắm ở những sàn này, nâng cao nhận thức về các rủi ro. Cùng đó, để tăng cường quản lý, bộ sẽ triển khai hàng loạt biện pháp, như thực hiện chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Công Thương về việc nghiên cứu tăng cường quản lý nhà nước với các sàn, sửa đổi quy định pháp luật liên quan. 

Tăng cường giám sát, kiểm soát các hàng hóa, sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuyên truyền kịp thời và nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng. Trường hợp phát sinh những vi phạm sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.

Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo có giải pháp giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu qua các sàn chưa tuân thủ pháp luật. Nếu tiếp tục vi phạm mặc dù đã được cảnh báo, có thể áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt như chặn truy cập từ Việt Nam đối với các nền tảng này. 

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *