Thiên hiểu mình đi học không chỉ cho bản thân mà còn gánh luôn ước mơ dang dở của chị ngày nào, nên càng quyết tâm không phụ công chị trên chặng đường đang cần được tiếp sức đến trường.
LÒ MỘC THIÊN
Gà trống nuôi con vất vả 1 đời
Ngày Lò Mộc Thiên ở bản Huổi Tao A, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) đi nhập học, người bố sang nhà hàng xóm mãi chiều mới về để kịp đưa cậu ra bến xe.
Ông Lò Văn Tụy (bố của Thiên) dúi vào tay con trai tờ tiền đã nhàu còn ướt đẫm mồ hôi. “Bố cho con tiền xe, đi học cố gắng, đến nơi gọi điện cho bố” – ông nói rồi vội vã rời đi để con trai không nhìn thấy giọt nước mắt chực trào trên đôi gò má sạm dày sương gió.
Ông kể muốn đưa con đến trường, nhưng đi vay được 500.000 đồng, nếu đi sẽ không đủ tiền mua vé quay về. 43 tuổi, cái khổ làm ông trông già hơn tuổi khá nhiều. Trong 5 đứa con, cô con gái cả phải nghỉ học khi đang lớp 9. Đứa út gửi ở nhà anh em tận Tuần Giáo (Điện Biên), hai đứa khác được Làng trẻ SOS Điện Biên nuôi. Duy nhất cậu con trai Lò Mộc Thiên như chỗ dựa và hy vọng của cả gia đình nghèo.
Mẹ Thiên mất vì ung thư. Gia đình nghèo đã kiệt quệ vì lo chạy chữa cho mẹ. Ông Tụy chưa bao giờ được đếm xấp tiền chục tờ mà phải đi vay mượn, chạy vạy để chữa bệnh cho vợ cả trăm triệu đồng. Người cũng không cứu được mà nợ phải mang. Cô chị cả Lò Thị Thơm nuốt nước mắt nhường ước mơ đến trường lại cho em.
“Con gái lúc ấy đã lớn, đi làm thuê được nên nghỉ học. Con trai còn bé quá vẫn đi học” – ông Tụy giọng nghẹn đắng.
Người đàn ông khắc khổ được cả bản khen vì có những đứa con học giỏi. Chị cả giỏi văn, cậu em giỏi toán. Ước mơ dừng lại, chị cả bắt xe tìm đường về Hà Nội làm thuê. Thơm đi làm để nồi cơm của cả nhà trong mùa giáp hạt không phải hấp thêm sắn đã nạo nhỏ, thứ thức ăn người trong bản rải ra sân cho gà.
Sáu năm trời đi làm, Thơm thấm lắm giọt mồ hôi mặn chát lẫn sạn xi măng ở công trường. Lương tháng chỉ đủ tiền thuê nhà, tiền ăn và ít đồng nhét thật kỹ trong góc cái hòm tôn.
Ngày Thiên trúng tuyển Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ông Tụy đồ nắm gạo nếp, con gà trống choai chưa đủ lông làm lễ cho vợ. Thiên đặt tờ giấy báo điểm vào mâm cúng. Nước mắt vẫn rơi, nhưng cậu tin mẹ ở Mường Trời đã yên lòng.
“Bố không biết chữ, con đậu đại học bố vui lắm”
Bức vách trang trọng nhất ngôi nhà sàn của ông Lò Văn Tụy dán đầy giấy khen của con, vẫn còn những tờ giấy khen chị của Thiên là Lò Thị Thơm.
Bấm đốt ngón tay dày cộm vết chai nhẩm tính các khoản thu nhập của gia đình, ông Tụy bảo khoản thu lớn nhất hơn 10 bao thóc không được bán mà để có cái ăn đến vụ sau.
Trong chuồng còn bảy con gà mới bằng hai vốc tay, ba con ngan, hai con đực già, một con mái. Giá trị nhất là con lợn nái, giống lợn đen chừng ba chục cân và bốn lợn con phải để nuôi đến Tết mới có thêm đồng trả nợ. Nương sắn sau nhà mỗi năm bán được 3 triệu đồng, dăm tháng nữa mới được thu.
Bản thân ông không làm được việc nặng kể từ lần bị sụn lưng vì khiêng cột nhà quá nặng, trái gió trở trời cái lưng lại nhói đau. Ông không thể theo dân bản ra TP phụ xây, xúc đá trải đường được mà chỉ quanh quẩn ở nhà. Thu nhập lớn nhất của ông là tiền công phát cỏ thuê cho trang trại trồng mắc ca 120.000 đồng/ngày, vài ba ngày người ta mới thuê một lần.
Lần ông được đếm tiền nhiều nhất là lần Mặt trận Tổ quốc xã cho vay để sửa cái nhà dột nát. “Tôi được vay 40 triệu để lợp lại mái nhà, sửa cột gãy, sửa vách thủng. Chưa bao giờ đếm được mấy triệu chứ nói gì nhiều thế!” – ông kể.
Lại phải đi vay. Chị cả Thơm đang làm ở Bắc Giang đếm lại những đồng tiền tiết kiệm trong mấy năm, vay thêm bạn cùng xóm trọ báo về đã gom được nửa tiền học phí cho em.
Người cha đi mượn hết anh em hai bên nội ngoại, người vài trăm, người một triệu, gộp lại vừa đủ số tiền hơn 17 triệu đồng để tiếp sức đến trường cho con trai nộp các khoản đầu năm.
“Bố chẳng được đi học, chỉ biết viết mỗi tên thôi, con đỗ đại học vui lắm!” – ông Tụy nói rồi dặn con: “Bố đã khổ mãi rồi. Chị cũng phải nghỉ để cho em đi học. Bây giờ con đỗ đại học mà phải nghỉ thì tiếc công chị, tiếc cho con lắm nên con cứ đi, ráng học rồi cả nhà cùng tính tiếp”.
Phải học giỏi để được giảm 70% học phí
Đủ tiền học phí, Thiên háo hức nhập trường. Cậu đã chạm đến ước mơ vào ngành công nghệ máy tính Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Thiên hiểu mình chỉ có thể giúp gia đình bằng cách học giỏi để được nhà trường giảm học phí, rồi xin làm thêm ở quán cà phê tiết kiệm mua máy tính.
“Nếu kết quả học kỳ 1 đạt loại giỏi thì học kỳ 2 sẽ được giảm 70% học phí. Như thế gia đình sẽ bớt vất vả nên mình càng phải quyết tâm. Còn tiền mua thiết bị mình sẽ tranh thủ làm thêm” – Thiên nói.
95 tân sinh viên khu vực Tây Bắc nhận học bổng Tiếp sức đến trường
Hôm nay (14-10), báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Điện Biên trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 95 tân sinh viên khó khăn sáu tỉnh khu vực Tây Bắc (Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu). Tổng kinh phí chương trình hơn 1,4 tỉ đồng do Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tài trợ.
Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng, trong đó có hai suất đặc biệt (50 triệu đồng/suốt bốn năm). Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam tặng sáu laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.
Quỹ Khuyến học Vinacam đã tài trợ 2,5 tỉ đồng và 50 laptop (600 triệu đồng) cho chương trình Tiếp sức đến trường 2024. Đây là điểm trao thứ năm trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường 2024 dành cho hơn 1.100 tân sinh viên khó khăn cả nước với tổng kinh phí trên 20 tỉ đồng.