Các nước châu Á, châu Âu ứng xử cứng rắn với hàng Trung Quốc giá rẻ

Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức khởi động cuộc điều tra sàn Temu – Ảnh: CNN

Như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh: Loạt nền tảng thương mại điện tử quốc tế đang hoạt động mạnh tại nhiều quốc gia, không chỉ cung cấp tràn lan các sản phẩm giá rẻ mà còn ngang nhiên hoạt động không phép.

Để bảo vệ sản xuất nội địa và lợi ích người tiêu dùng, nhiều quốc gia ở châu Á cũng như châu Âu đã và đang siết chặt quy định với các sàn bán lẻ điện tử như Temu, Shein…

Indonesia cứng rắn, Hàn Quốc siết chặt

Giữa tháng 10, Chính phủ Indonesia đã yêu cầu Apple và Google chặn Temu khỏi các cửa hàng ứng dụng nội địa của mình vì nền tảng này chưa đăng ký hoạt động ở nước này nhưng vẫn tuồn hàng giá rẻ vào Indonesia, Reuters đưa tin.

Đây là động thái nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước – ông Budi Arie Setiadi, bộ trưởng Thông tin và Truyền thông của Indonesia, cho biết.

“Mô hình kinh doanh của Temu kết nối trực tiếp người tiêu dùng với các nhà máy ở Trung Quốc nhằm giảm giá sâu. Đó là hình thức cạnh tranh không lành mạnh” – ông viết.

Bộ trưởng Indonesia cũng thông tin chính phủ đang xem xét cấm Shein, sàn bán hàng online khác của Trung Quốc.

Năm ngoái, nước này cũng ban hành lệnh cấm TikTok bán hàng online để bảo vệ các thương nhân và chợ truyền thống, vì cho rằng các sàn thương mại điện tử đang phá giá và đe dọa doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sau khi bị buộc dừng giao dịch, tháng 11-2023 TikTok làm thủ tục xin phép hoạt động thương mại điện tử từ Chính phủ Indonesia, theo Thứ trưởng Thương mại Jerry Sambuaga.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng bắt tay siết các quy định với loại hình này.

Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc (KFTC) vào ngày 13-3 đã công bố các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng toàn diện liên quan đến sàn thương mại điện tử quốc tế – tờ The Chosun Daily đưa tin.

Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài không có địa chỉ trong nước phải chỉ định một đại diện địa phương và buộc thực hiện trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng.

Động thái này nhằm bảo vệ quyền của người tiêu dùng và giúp họ tránh mua phải hàng giả.

Tháng 5 năm nay, Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc bắt đầu điều tra Temu và AliExpress, thuộc sở hữu của PDD Holdings và Alibaba Group, theo Pulse News, một tạp chí kinh doanh ở Hàn Quốc.

Các cuộc điều tra nhằm xác định xem hai công ty này có xâm phạm quyền riêng tư của người tiêu dùng khi thu thập và phát tán thông tin của họ hay không.

Các nước châu Á, châu Âu ứng xử cứng rắn với hàng Trung Quốc giá rẻ - Ảnh 3.

Các sản phẩm dành cho trẻ em do Shein bán bị phát hiện chứa chất độc hại, trong cuộc kiểm tra an toàn do chính quyền thành phố Seoul tiến hành – Ảnh: en.yna.co.kr

Châu Âu cũng đau đầu

Để đề phòng “dính đòn” từ các nhà bán lẻ trực tuyến giá rẻ Trung Quốc, Đức soạn thảo quy định mới từ tháng 9, buộc Temu và Shein, cũng như các sàn thương mại khác, tuân thủ tiêu chuẩn an toàn sản phẩm, bảo vệ môi trường, quyền lợi người tiêu dùng, luật hải quan và thuế, theo tạp chí Capital.

Hiệp hội Bán lẻ Đức (HDE) đã thuyết phục chính phủ “đảm bảo cạnh tranh công bằng cho tất cả những ai tham gia vào thị trường.

Reuters trích lời HDE cho rằng hải quan không thể kiểm tra xuể tất cả sản phẩm có tuân thủ quy định của Liên minh châu Âu hay không.

Đảng Dân chủ xã hội cầm quyền Đức kêu gọi mở rộng các biện pháp kiểm soát hải quan và bãi bỏ ngưỡng miễn thuế 150 euro, vốn cho phép miễn kiểm tra hải quan với các kiện hàng dưới 150 euro mua trực tuyến từ các quốc gia không thuộc EU.

Hồi tháng 9, Đức, Áo, Ba Lan, Đan Mạch, Hà Lan và Pháp kêu gọi thống nhất thực thi các tiêu chuẩn của EU trong thương mại điện tử, theo Euronews.

Sáu quốc gia này yêu cầu Ủy ban châu Âu áp dụng “tất cả các biện pháp cần thiết trong thẩm quyền của mình” để thực thi Luật Dịch vụ kỹ thuật số đối với các nền tảng trực tuyến.

Temu và Shein bị “điểm mặt” và đây được xem “là một bước quan trọng” trong việc áp dụng các quy tắc này.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *