Cách tính CPI đã sát thực tế?

Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hải Hậu và Trần Công Hùng (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) có hai con còn bé được hưởng tiền giảm trừ gia cảnh – Ảnh: T.T.D.

Tuy nhiên Bộ Tài chính nói chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa tăng đến mức quy định để phải điều chỉnh giảm trừ gia cảnh. Ai đúng?

Mới đây khi nói về hỗ trợ của Nhà nước cho người dân, trả lời Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng là ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng phải chăng cách tính CPI chưa phản ánh được hết tiêu dùng của người dân, nhất là người ở đô thị vốn chi tiêu nhiều cho dịch vụ thay vì lương thực – thực phẩm? Liệu đây là mấu chốt của vấn đề? Tuổi Trẻ đã hỏi thêm chuyên gia.

Chuyên gia nói về thông lệ điều tra 5 năm/lần

Theo ông Nguyễn Bích Lâm – nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc tính toán CPI hiện nay dựa trên “rổ” tiêu dùng hàng hóa của người dân, hộ gia đình.

Thông lệ quốc tế cứ năm năm cơ quan thống kê sẽ điều tra về chi cho đời sống dân cư để xác định thay đổi trong cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình. Đây là căn cứ xác định quyền số trong “rổ” hàng hóa tính CPI.

Về cơ bản, Tổng cục Thống kê làm đúng thông lệ quốc tế, năm năm sẽ thay đổi “rổ” hàng hóa một lần.

Ví dụ năm 2021 chúng ta đã thay đổi quyền số tính CPI so với giai đoạn năm năm trước đó. Số các mặt hàng trong “rổ” hàng hóa CPI cũng thay đổi theo hướng tăng lên qua các chu kỳ năm năm.

Ông Lâm cũng cho rằng khi chi cho dịch vụ, chi khác thay đổi thì danh mục hàng hóa, quyền số trong “rổ” hàng hóa CPI cũng cần thay đổi cho phù hợp, còn phương pháp tính CPI là xuyên suốt, không đổi.

Tính CPI, Việt Nam khác gì thế giới?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV) cho rằng khi “rổ” hàng hóa CPI thay đổi, gốc so sánh thay đổi sẽ cho kết quả, con số tăng CPI khác nhau.

Ví dụ như mức tăng lạm phát sáu tháng đầu năm 2024 khoảng 4,08%, nhưng nếu so với gốc 2019 có thể mức tăng CPI sẽ là 7 – 8%.

Theo bà Trang, thông lệ quốc tế, như Mỹ và một số nước châu Âu họ theo dõi biến động chỉ số giá từng nhóm hàng hóa, chỉ số giá theo từng địa phương để làm cơ sở xác định quyền số (thuật ngữ trong thống kê chỉ số là tỉ trọng đóng góp của từng nhóm hàng hóa, dịch vụ vào mức tăng CPI chung hằng tháng, hằng quý, hằng năm) trong “rổ” CPI.

Bà Trang phân tích: “Với mạch theo dõi dài hạn (10 – 20 năm), chỉ số từng nhóm hàng hóa các nước sẽ xác định được xu hướng biến động giá cả các nhóm hàng hóa chính, mức độ đóng góp từng nhóm vào chỉ số CPI. Chúng ta chưa làm được vậy, không theo dõi được chỉ số giá từng nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Vì vậy phải làm điều tra, khảo sát giá các loại hàng hóa, thông qua báo cáo của các địa phương, sau đó tổng hợp lập danh mục hàng hóa trong rổ CPI chung cho cả nước. Phương pháp điều tra khảo sát thường là chọn mẫu nên không thể bao quát hết như phương pháp theo dõi để xác định chỉ số giá của các nhóm hàng hóa”.

Từ đó theo bà Trang, với cơ cấu hàng hóa đa dạng hiện nay chúng ta nên theo thông lệ quốc tế, nhưng cần rút ngắn chu kỳ xác lập quyền số trong “rổ” hàng hóa CPI từ năm năm/lần như hiện nay xuống 2 – 2,5 năm/lần. Đồng thời cần mở rộng thêm danh mục hàng hóa trong “rổ” hàng hóa CPI cho phù hợp với thực tế.

Cách tính CPI đã sát thực tế?- Ảnh 2.

Tỉ lệ chi cho lương thực, thực phẩm giảm dần

Điều này được thể hiện trong giai đoạn 2006 – 2025 khi quyền số trong CPI của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm từ 42,85% còn 33,56%.

Ngược lại trong giai đoạn 2020 – 2025, quyền số của một số nhóm dịch vụ đã tăng lên như nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất từ 9,99% lên 18,82%, giáo dục tăng từ 5,41% lên 6,17%, nhóm giao thông tăng từ 9,04% lên 9,67%, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng từ 3,59% lên 4,55%…

Điều này có thể hiểu là nhiều năm trước, người dân chủ yếu chi tiêu cho cái ăn thì nay đã chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ, như giáo dục, y tế, giải trí, nhà cửa… Xu hướng này cho thấy người dân đang hướng đến chất lượng cuộc sống cao hơn.

Khi giá cả dịch vụ tăng mà quyền số trong CPI của nhóm dịch vụ không sát thực tế sẽ dẫn đến CPI không tăng nhưng người dân vẫn thấy giá cả tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Như trong sáu tháng đầu năm 2024, nhóm dịch vụ cũng tăng cao nhất, như giáo dục tăng 8,58%, nhóm thuốc, dịch vụ y tế tăng 7,07%, còn nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,16%.

Theo đánh giá của Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, việc mở rộng lượng mặt hàng, thay đổi quyền số của nhóm hàng thiết yếu phản ánh xu hướng tiêu dùng hiện đại, ngày càng tiệm cận quốc tế. Xu hướng biến động của lạm phát những năm qua cũng cho thấy áp lực từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đặc biệt là nhóm thực phẩm đối với lạm phát đang giảm dần.

* Bà Nguyễn Thị Hương (tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê):

Sẽ tiến tới cập nhật quyền số 2 năm/lần

Tổng cục Thống kê đang dự kiến hai năm/lần sẽ thay đổi quyền số trong giỏ hàng hóa tính CPI cho sát với thực tế đời sống xã hội, những thay đổi trong thói quen chi tiêu, cũng như tình hình dịch chuyển của cơ cấu nhóm hàng chi tiêu. Hiện nay, tổng cục vẫn thường xuyên cập nhật, bổ sung nhóm hàng mới.

Điều tra chi tiêu hộ gia đình do Tổng cục Thống kê thực hiện hai năm/lần chính là cơ sở để xác định quyền số, nhóm mặt hàng mới, những mặt hàng cũ sẽ bị loại bỏ trong giỏ tính toán CPI.

Các mặt hàng trong giỏ CPI phải đại diện cho một nhóm hàng, ví dụ mặt hàng gạo phải đại diện cho nhiều loại gạo trên thị trường.

Mức giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc không còn phù hợp giá cả hiện nay - Ảnh: TỰ TRUNG

Mức giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc không còn phù hợp giá cả hiện nay – Ảnh: TỰ TRUNG

“CPI phải vượt 20%” không còn phù hợp

Theo dõi thông tin cho thấy những tính toán liên quan đến thu nhập của người dân – qua mức giảm trừ gia cảnh – đều đúng luật (CPI tăng chưa vượt 20%) và cả thông lệ quốc tế (điều tra về “rổ” tính CPI).

Nhưng cũng có một thực tế là người dân đang kêu, chất lượng sống khó duy trì vì giá cả tăng. Chất lượng bữa ăn không kém đi nhưng họ phải chật vật vì giá dịch vụ cứ lù lù tăng dần.

Mà chi cho dịch vụ nhiều quá, rồi cũng có ngày ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn. Chẳng trách gì gần đây nhiều ý kiến cho rằng dân mình có vẻ chuyển sang sống tiết kiệm hơn. Mà người dân tiết kiệm quá, sức mua yếu, sao doanh nghiệp bán được hàng?!

Ngẫm lại quy định CPI vượt quá 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh được đưa vào Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012 nay không còn phù hợp.

Khi đó nền kinh tế vừa vượt qua giai đoạn lạm phát cao nên phải thực hiện nghị quyết 11/2011 về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhờ vậy những năm gần đây chúng ta đã quản lý kinh tế bài bản hơn, lạm phát đã trở lại bình thường, không còn lạm phát cao như trước.

Tuy vậy qua các năm, nền kinh tế vẫn có lạm phát và sức mua bị bào mòn dần. Nếu chúng ta cứ cứng nhắc CPI phải đủ trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thì người dân không kêu mới lạ.

Tăng CPI còn xa mức 20%

Giải trình trước Quốc hội trong tháng 5-2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định chưa trình tăng mức giảm trừ gia cảnh là đúng luật.

Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012 có bổ sung quy định khi CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Nhưng CPI năm 2023 chỉ tăng 3,25%, năm 2022 tăng 3,15%, năm 2021 tăng 1,84%…, tức chưa đến mức trên 20% nên chưa điều chỉnh.

Được biết năm 2020 Quốc hội có nghị quyết 954 quy định mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng và duy trì cho đến nay.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *