ChatGPT phiên bản Việt, sẽ xây dựng ‘thung lũng AI’ tại Quy Nhơn

Người dùng trải nghiệm camera ứng dụng AI nhận diện khuôn mặt của FPT – Ảnh: ĐỨC THIỆN

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này với hàng loạt sản phẩm AI tạo sinh (loại trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc tạo ra nội dung mới dựa trên dữ liệu hiện có) ra đời.

ChatGPT phiên bản Việt

Vào những ngày cuối cùng của năm 2023, sự quan tâm về khả năng phát triển các ứng dụng AI của các doanh nghiệp công nghệ Việt lại được dấy lên với sự kiện ứng dụng ViGPT – phiên bản ChatGPT đầu tiên ở Việt Nam của Công ty VinBigdata (Tập đoàn Vingroup) – được chính thức đưa vào hoạt động và mở cho người dùng cuối phiên bản cộng đồng là một “ChatGPT phiên bản Việt” dành cho người dùng cuối.

Công ty cổ phần VinBigdata cũng công bố vào tháng 8-2023 việc xây dựng thành công mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, đặt nền móng cho việc xây dựng các giải pháp tích hợp AI tạo sinh.

Sự xuất hiện của ViGPT “hâm nóng” thêm không khí nghiên cứu phát triển các ứng dụng AI tạo sinh tại Việt Nam bởi đơn vị phát triển ứng dụng này tuyên bố đây là ứng dụng 100% “made in Vietnam” cho người dùng cuối tại thị trường Việt Nam.

Trước đó tại Việt Nam, một số nhà phát triển công nghệ đã cho ra mắt mô hình AI tạo sinh ở các định dạng khác nhau như nền tảng FPT GenAI dành cho doanh nghiệp của Tập đoàn FPT, mô hình mã nguồn mở PhởGPT của VinAI và gần đây là Zalo AI LLM của VNG.

Mới đây ngày 5-12, tại sự kiện AI Day 2023, Công ty VinAI đã công bố dự án nghiên cứu mã nguồn mở về mô hình ngôn ngữ lớn cho riêng tiếng Việt là “PhởGPT”.

Mục tiêu của dự án là phát triển các mô hình tương tự như ChatGPT cho tiếng Việt và văn hóa người Việt. PhởGPT có khả năng hiểu và viết văn phong tiếng Việt một cách vượt bậc so với các công nghệ về ngôn ngữ thế hệ trước.

Mô hình cũng được huấn luyện từ đầu với tập dữ liệu tiếng Việt, không phụ thuộc vào bất cứ một mô hình nào khác của thế giới, đảm bảo việc làm chủ công nghệ lõi tiên tiến cho Việt Nam.

Nguồn: Forbes - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Trình bày: N.KH.

Nguồn: Forbes – Dữ liệu: NGỌC ĐỨC – Trình bày: N.KH.

Xây dựng “thung lũng AI” tại Quy Nhơn

Việt Nam đang ở những bước đầu trên hành trình chinh phục AI tạo sinh, việc ra mắt những ứng dụng của riêng người Việt là tín hiệu tốt cho thấy những nỗ lực của các đơn vị công nghệ trong nước nhằm xóa bỏ sự phụ thuộc vào những sản phẩm quốc tế, đảm bảo tính chính xác của thông tin và giảm thiểu dòng chảy dữ liệu ra thị trường nước ngoài.

Chia sẻ về khía cạnh này, GS Vũ Hà Văn (giám đốc khoa học VinBigdata) cho biết: “Việc ra mắt một “ChatGPT phiên bản Việt” đánh dấu khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam. Cao hơn thế nữa, qua việc làm chủ công nghệ, chúng ta có thể tự chủ khai thác, bảo vệ an ninh dữ liệu quốc gia cùng hệ tri thức, tư tưởng mang bản sắc Việt Nam”.

Theo ông Văn, hướng đi này sẽ cho phép chúng ta không chỉ xóa bỏ sự phụ thuộc vào những sản phẩm quốc tế mà còn có thể dần dần nâng cao tính chính xác của thông tin chứa giá trị lịch sử, văn hóa Việt và giảm thiểu dòng chảy dữ liệu ra nước ngoài.

Trong khi đó FPT là tập đoàn công nghệ đang dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI ở Việt Nam và bắt đầu đặt chân ra thị trường quốc tế. FPT đang sở hữu FPT.AI – cung cấp hơn 20 giải pháp trong hệ sinh thái công nghệ AI cho 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước; phục vụ hơn 20 triệu người dùng cuối tại 15 quốc gia, mỗi tháng có hơn 200 triệu lượt sử dụng các sản phẩm và giải pháp.

Chia sẻ về chiến lược và định hướng phát triển AI, giám đốc công nghệ của FPT Vũ Anh Tú nói: “Chúng tôi đã chuẩn bị từ hơn 10 năm trước”. Theo ông Tú, từ 10 năm trước, FPT đã bắt đầu nghiên cứu về AI và chip bán dẫn – những lĩnh vực mà gần đây Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam, và coi đó là cánh cửa để FPT mạnh mẽ tiến ra toàn cầu.

Trong Diễn đàn công nghệ FPT (FPT Techday) vào tháng 10-2023 tại Hà Nội, FPT đã công bố việc hợp tác với các đối tác quan trọng và ra mắt thế hệ AI mới, khẳng định sự đầu tư của FPT trong lĩnh vực này. “Chúng tôi cũng đang xây dựng thung lũng AI tại Quy Nhơn để hiện thực hóa giấc mơ đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI ở khu vực” – ông Tú chia sẻ.

(*): dự đoán Nguồn: Statista.com - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: N.KH.

(*): dự đoán Nguồn: Statista.com – Dữ liệu: NGỌC ĐỨC – Đồ họa: N.KH.

AI làm “công chức”

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 29-12, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra cam kết mạnh mẽ: “Năm 2024 sẽ là năm ứng dụng mạnh mẽ AI, trợ lý ảo”.

Bộ trưởng cho rằng với 120.000 văn bản, thể chế trong hệ thống pháp luật của chúng ta đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân. Số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm. Vì vậy, lời giải duy nhất hiện nay là hãy để AI xử lý số lớn, con người thì xử lý số nhỏ.

Theo ông Hùng, số nhỏ cần nhiều sự tưởng tượng, cần nhiều sáng tạo và đó là thế mạnh của con người. Số lớn thì con người luôn thấy không thoải mái khi làm, thấy vất vả khi làm và có xu thế thoái thác. Và hiện nay đã có AI làm thay được, lại làm tốt hơn rất nhiều.

“Nhiều cán bộ công chức hiện nay sợ trách nhiệm, không dám làm, một phần là do không thể hiểu hết, biết hết các quy định của pháp luật. Một nền tảng làm việc số thông qua một trợ lý ảo giúp việc cho cán bộ công chức thì ít nhất 70 – 90% công việc có quá nhiều dữ liệu sẽ được trợ lý ảo xử lý. Như vậy năng suất lao động tăng, chất lượng công việc tăng và công việc của con người cũng sẽ thú vị hơn vì được tập trung vào những việc sáng tạo” – ông Hùng chỉ ra.

Theo ông, “trước đây thì chẳng có cách nào, cứ phải cố mà làm thôi. Nay đã có AI làm thay được, lại làm tốt hơn nhiều, vậy thì năm 2024 này, các bộ ngành và địa phương hãy dành sự quan tâm đặc biệt để chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn”.

“Làm được như vậy thì năng suất lao động tăng, chất lượng công việc tăng, công việc của con người thú vị hơn vì được tập trung vào việc mang tính sáng tạo” – ông Hùng nói thêm. 

Bộ đang chỉ đạo phát triển bốn trợ lý chính: trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức; trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật; trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân; trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán, đã đưa vào sử dụng hơn một năm nay, giảm thời gian xử án 30% và nâng cao chất lượng.

Đẩy nhanh phát triển trợ lý ảo

Phát triển các ứng dụng trợ lý ảo AI đang là hướng được các tập đoàn công nghệ lớn hưởng ứng.

Trung tâm không gian mạng Viettel (Viettel CyberSpace) đang phát triển sản phẩm trợ lý ảo dùng trong ngành tòa án để hỗ trợ các thẩm phán. Còn tại Tập đoàn VNPT đang tạo ra những trợ lý AI đến nén tri thức trong các lĩnh vực và phục vụ mọi đối tượng bằng những trợ lý AI chuyên biệt – theo ông Nguyễn Tiến Cường, giám đốc Công ty VNPT AI.

VNPT AI đã phát triển các trợ lý AI định danh điện tử, trợ lý AI giám sát giao thông, trợ lý AI y tế cho bác sĩ, trợ lý AI lắng nghe mạng xã hội, trợ lý AI tra cứu cho bộ ban ngành, trợ lý AUI chăm sóc khách hàng và người dân, trợ lý AI hỗ trợ ra quyết định.

Ông Đặng Hữu Sơn (phó chủ tịch Liên minh Phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam):

Kỳ vọng đầu tư lớn vào AI

Năm 2024 dự báo sẽ chứng kiến nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam trong lĩnh vực ứng dụng AI.

Hiện đã có một số doanh nghiệp tại Việt Nam nhận được nhiều đề nghị từ các quỹ đầu tư muốn tìm hiểu và tham gia các vòng gọi vốn cho giải pháp ứng dụng AI phát triển trợ lý ảo bán hàng thương mại điện tử thế hệ mới dành cho doanh nghiệp.

Sự quan tâm này là một bước tiến quan trọng, khi số lượng start-up nhận được vốn đầu tư năm 2023 còn khá khiêm tốn do nền kinh tế gặp khó khăn. Các doanh nghiệp ứng dụng AI để tối ưu chi phí vận hành, tinh gọn bộ máy, tăng trưởng tốt cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc gọi vốn.

Trong khi đó với tình hình kinh tế hiện nay, bài toán đau đầu nhất với nhiều chủ doanh nghiệp là chi phí vận hành ngày càng lớn và cải thiện ngay năng suất nhân viên. Khi dữ liệu càng nhiều, càng phức tạp, đội ngũ nhân viên không thể đáp ứng được nhu cầu, ngược lại AI có xu hướng xử lý và phản hồi tốt hơn con người và hoạt động 24/7.

Từ đó, các chủ doanh nghiệp sẽ nhận ra rằng AI không chỉ là một xu hướng công nghệ mà còn là một yếu tố quan trọng để tăng cường hiệu quả kinh doanh, tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí. Đặc biệt trong việc xử lý các nghiệp vụ trong lĩnh vực trợ lý ảo chăm sóc khách hàng, từ bán lẻ, bảo hiểm, ngân hàng… Đây là xu hướng ứng dụng chủ đạo trong các doanh nghiệp năm 2024.

Công ty VinBigdata (Tập đoàn Vingroup) chính thức đưa vào hoạt động ứng dụng ViGPT - phiên bản ChatGPT đầu tiên ở Việt Nam mở cho người dùng cuối và đang mở cho cộng đồng dùng thử nghiệm  - Ảnh: VinAI

Công ty VinBigdata (Tập đoàn Vingroup) chính thức đưa vào hoạt động ứng dụng ViGPT – phiên bản ChatGPT đầu tiên ở Việt Nam mở cho người dùng cuối và đang mở cho cộng đồng dùng thử nghiệm – Ảnh: VinBigData

Ông Đỗ Ngọc Thiện (giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Kalapa):

AI thúc đẩy chuyển đổi số

Năm 2024, AI sẽ thay đổi các tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp. Với sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình AI tạo sinh, giờ đây AI đã có thể hiểu rõ được ngữ cảnh để giao tiếp với con người. Chatbot sẽ là một trong những ứng dụng đầu tiên được các doanh nghiệp sử dụng nhằm tiết kiệm chi phí, nguồn lực của mình.

Người dùng hiện đã có thể tương tác với AI không chỉ là gõ chữ mà còn có thể đa dạng các hình thức khác như âm thanh, hình ảnh, video (ứng dụng Google Gemini gần đây). Rộng hơn AI sẽ là yếu tố thúc đẩy việc chuyển đổi số ở Việt Nam.

Việc ứng dụng AI để thay thế các quy trình thủ công tiếp tục phổ biến mạnh mẽ hơn, đặc biệt là nhóm các sản phẩm về tự động hóa quy trình, số hóa giấy tờ, định danh điện tử, chủ động phát hiện gian lận…

Chẳng hạn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có quyết định triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có những ứng dụng rất rõ ràng của sinh trắc học vào trong hoạt động các giao dịch thanh toán. Ví dụ giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên sẽ cần nhận dạng sinh trắc học (khuôn mặt) của khách hàng.

Đây là một trong những ứng dụng điển hình của AI vào trong đời sống sẽ được triển khai rộng rãi trong năm 2024.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *