Ford dường như không thể tự thoát ra khỏi mớ bòng bong về chất lượng và sửa chữa bảo hành.
Nhà sản xuất ô tô này không đạt được mục tiêu lợi nhuận quý 2-2024 với khoảng cách khá xa. Họ cho biết nguyên nhân là do chi phí bảo hành tăng đột biến đối với các xe cũ.
Các vấn đề về chất lượng đã và đang là bài toán khó đối với Ford trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc chi 800 triệu USD trong quý 2-2024 cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Giám đốc tài chính John Lawler cho biết khoản chi này là khoản tăng “đột biến” do các vấn đề với những chiếc xe được sản xuất vào năm 2021 hoặc trước đó. Bloomberg dẫn lời Lawler cho biết: “Chúng tôi không thể đánh giá cả năm dựa trên kết quả quý này – khi đã trật đường ray”.
Kể từ đầu năm đến nay, Ford đã phải ban hành đến 31 lệnh triệu hồi ở Mỹ, ảnh hưởng tới 3,66 triệu xe. Con số này cho thấy sự chênh lệch đáng kể khi đặt lên bàn cân so sánh với các đối thủ khác trong ngành. Cụ thể, Tesla – ông lớn trong lĩnh vực xe điện – mới chỉ đưa ra 8 lệnh triệu hồi, tác động tới 2,55 triệu xe. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh trực tiếp là General Motors chỉ phải triệu hồi 656.000 xe.
“Những thách thức về bảo hành khiến các nhà đầu tư thất vọng, vì vấn đề bảo dưỡng sửa chữa đã luôn là điểm nổi bật trong những năm qua, đôi khi kéo kết quả kinh doanh đi xuống mà không có cảnh báo nào rõ rệt”, các nhà phân tích của Barclays do Dan Levy dẫn đầu viết trong một lưu ý nghiên cứu.
Năm ngoái, Ford đã chi 4,8 tỉ USD để sửa chữa xe cho khách hàng. Đầu năm nay, nhà sản xuất ô tô này đã giữ khoảng 60.000 chiếc xe bán tải F-150 được thiết kế lại tại các bãi đậu xe xung quanh Detroit để kiểm tra chất lượng thêm.
CEO Jim Farley cho biết điều đó đã giúp công ty tránh được 12 lần triệu hồi, và cho biết đó sẽ là quy trình tiếp theo cho tất cả các mẫu xe mới.
Farley cho biết Ford hiện đang “thử nghiệm xe cho đến khi hỏng hóc” và chạy “ở quãng đường cực cao” để phát hiện các vấn đề về chất lượng trước khi chúng đến tay khách hàng. Sẽ mất tới 18 tháng để thấy được lợi ích của quy trình mới đó, thể hiện ở việc giảm chi phí bảo hành.
“Điều đó khiến kết quả kinh doanh hàng quý của chúng tôi trở nên bấp bênh và đầy thách thức, nhưng chi phí bảo hành sẽ giảm theo thời gian”, ông Farley khẳng định.
Ngoài ra, để thích ứng với thị trường và cải thiện tình hình kinh doanh, Ford đang tập trung phát triển một nền tảng xe điện cỡ nhỏ, giá cả phải chăng. Hãng cũng công bố kế hoạch ra mắt một mẫu xe điện có giá 30.000 USD (760 triệu đồng) vào năm 2030 và tạm hoãn kế hoạch sản xuất các mẫu xe điện cỡ lớn.
Cũng trong báo cáo, Ford đã nhắc lại triển vọng lợi nhuận trong năm nay, dự báo lợi nhuận từ 10 – 12 tỉ USD trước lãi vay và thuế. Con số này bao hàm kỳ vọng hạ thấp với mảng xe xăng và hybrid (Ford Blue). Nhà sản xuất kỳ vọng Ford Blue sẽ kiếm được 6 – 6,5 tỉ USD trước lãi vay và thuế trong năm nay, giảm so với dự báo trước đó là 7 – 7,5 tỉ USD.
Cổ phiếu Ford lao dốc 18,4% trong phiên giao dịch 26-7, mức giảm trong phiên tệ nhất 15 năm qua (từ tháng 11-2008), sau khi công bố báo cáo tài chính quý 2 không đạt kỳ vọng.
Theo báo cáo, lợi nhuận ròng của Ford đạt 47 USD/cổ phiếu sau điều chỉnh, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 67 USD/cổ phiếu.