Vì thế phải tìm ngay giải pháp chống lãng phí như yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, trong đó có lĩnh vực hạ tầng.
Chuyện dự án hạ tầng vỡ tiến độ, đội vốn ngàn tỉ đồng, làm mãi không xong có thể thấy ở khắp nơi.
Nhiều con đường xây mãi không xong
Những ngày này, công trường đoạn 3 đường vành đai 2 TP.HCM dài 2,7km nằm im lìm sau bốn năm tạm dừng thi công. Tuy chỉ là một đoạn ngắn nhưng dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc khép kín đường vành đai 2.
Đây chính là con đường điều phối xe ở nội thành, giảm ùn tắc cho các tuyến đường vào cảng vốn đang quá tải. Dự án 2,7km vốn được làm theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) – một loại hình đã phần nào góp phần vào bức tranh giao thông TP.HCM.
Năm 2017 dự án được khởi công, nhưng chỉ chưa đầy ba năm sau đã phải tạm dừng khi khối lượng mới đạt 43,7%. Có hai nguyên nhân chính khiến công trình tạm dừng: đầu tiên vì vướng mặt bằng; thứ hai là điều chỉnh hợp đồng BT, rà soát quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, suốt bốn năm qua, nhà đầu tư đã cùng các sở ngành TP rà soát hợp đồng BT để tiến hành đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng, thanh toán quỹ đất nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Sự chậm trễ về giải quyết vướng mắc để khởi động lại dự án không chỉ làm ảnh hưởng tới hoạch định phát triển giao thông mà còn gây lãng phí những khoản tiền có thể tính toán bằng con số.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Văn Phú – Bắc Ái (doanh nghiệp thực hiện dự án), kể từ khi triển khai tới nay, doanh nghiệp đã chi ra để thực hiện dự án 2.200 tỉ đồng. Đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa nhận được khoản thanh toán nào, dẫn tới khó khăn trong công tác triển khai dự án. Đáng quan ngại, hiện nay số lãi vay ước tính mà TP phải trả đã lên tới 600 tỉ đồng, mỗi tháng chậm có thể phát sinh thêm 15 tỉ đồng.
“Doanh nghiệp đã hoàn thành các phần trách nhiệm của mình, phần còn lại cần sự quyết liệt gỡ vướng từ TP. Tuy nhiên, thời gian qua các sở ngành vẫn đang lúng túng triển khai các bước tiếp theo dẫn đến doanh nghiệp không thể tính toán được khi nào khởi động lại dự án.
Công trình đình trệ quá lâu không chỉ ảnh hưởng đến người dân, gây thiệt hại về kinh tế mà còn đẩy doanh nghiệp rơi vào tình cảnh rất khó khăn, có nguy cơ phá sản”, một lãnh đạo Công ty cổ phần Văn Phú – Bắc Ái chia sẻ.
Dự án liên vùng: Ra “chiến dịch” và… thất thủ
Trong số các dự án trọng điểm ở phía Nam, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được kỳ vọng sẽ kết nối với các trục cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành. Đồng thời, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hoàn thành đúng tiến độ sẽ giảm tải rất lớn cho quốc lộ 51.
Tuy nhiên, tiến độ giải phóng mặt bằng đoạn cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu qua Đồng Nai đã nhiều lần lỗi hẹn.
Khi Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, nhắc nhở tiến độ chậm, Đồng Nai đưa ra “chiến dịch 30 ngày đêm”… Thế nhưng đã mấy lần các cấp ra “chiến dịch” đến nay, việc giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân có đất ở khu vực làm dự án vẫn còn ngổn ngang.
Gần đây nhất, Thủ tướng thêm một lần nữa yêu cầu đến 15-10 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án thành phần 2 nhưng vẫn chưa đâu vào đâu.
Theo Ban quản lý dự án 85 (Ban 85, Bộ Giao thông vận tải), trường hợp không kịp bàn giao mặt bằng và tháo gỡ vướng mắc về đất đắp, nguy cơ vỡ tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa và khai thác đồng bộ năm 2026 là rất lớn”, Ban 85 khẳng định.
Còn trước mắt phát sinh đủ thứ khó cho chủ đầu tư, nhà thầu vì cứ hẹn ngày giao mặt bằng rồi lại lỗi hẹn. Mỗi lần được hứa hẹn giao mặt bằng, nhà thầu lại vào “chiến dịch” huy động máy móc, công nhân, chuẩn bị nguồn vật liệu… nhưng lại lỗi hẹn, tất cả phải “nằm chờ”, gây lãng phí rất lớn. Chỉ riêng trả lương cho người lao động cũng đã khiến doanh nghiệp thiệt thòi lớn.
Đại diện Ban 85 chia sẻ: “Do không thể chắc chắn được thời gian nhận bàn giao mặt bằng nên việc huy động, tập kết vật liệu của nhà thầu cũng thiếu tính chủ động, đã xảy ra nhiều trường hợp nguồn vật liệu (cát, đá,…) khi cần sử dụng thì không còn nguồn cung cấp do nhà sản xuất đã bán cho các dự án khác, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế khi phải huy động từ các nguồn cung cấp khác có giá thành cao hơn”.
Vị này nói: “Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đang đội vốn hàng ngàn tỉ đồng, đang phải xin điều chỉnh nguồn vốn đầu tư. Và hơn hết, thi công cao tốc chậm một ngày sẽ lãng phí rất lớn vì nguồn lực, vật lực đang nằm trên công trình chờ mặt bằng…”.
Còn ở dự án đường vành đai 3 TP.HCM qua Đồng Nai, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho hay riêng dự án thành phần 3 huyện Nhơn Trạch đã bàn giao mặt bằng 89%.
Tuy nhiên mặt bằng thực tế thì công được trên 36ha, đạt khoảng 55%. Nguyên nhân do mặt bằng được bàn giao không liên tục, còn nhiều hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa được xét tái định cư hoặc còn tài sản trên đất nên chưa bàn giao mặt bằng.
Mặt bằng bàn giao da beo, không liên tục và nhiều vị trí khó có đường tiếp cận đến nơi có mặt bằng để thi công.
Cần nhắc lại, theo nghị quyết Chính phủ, ở dự án này phải giao mặt bằng đạt 70% trước 30-6-2023.
Chậm tiến độ gây hậu quả lớn
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho rằng những năm qua chúng ta đã chứng kiến khá nhiều dự án kết nối liên vùng hay những công trình tại TP.HCM chậm tiến độ. Đơn cử như với metro số 1 đã kéo dài 16 năm. Vì vậy, tình trạng kẹt xe, kết nối đồng bộ giao thông tại TP.HCM vẫn chưa thể giải quyết căn cơ, mỗi năm ước tính thiệt hại tới 6 tỉ USD”, ông Thuận nói.
Về nguyên nhân chậm trễ, theo ông Thuận, tùy công trình đều có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng chung quy lại vẫn là vấn đề về con người. Chúng ta có thể thấy hiện nay có một số dự án không vướng về tiền, không vướng về nhân lực mà chỉ vướng về cơ chế, thủ tục. Nhưng ở đâu đó vẫn còn tình trạng cán bộ “không dám làm, không dám quyết” dẫn đến các thủ tục giải quyết vướng mắc kéo dài mấy tháng hoặc nhiều năm chưa xong.
Ông Lê Trung Tính, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, đã chỉ ra một vấn đề quan trọng khi nói về thất thoát và lãng phí. Theo ông, nhiều người thường chỉ nghĩ đến những thất thoát hữu hình, có thể đo lường được bằng tiền bạc như đội vốn hay chi phí tăng cao. Tuy nhiên, còn một dạng lãng phí lớn hơn nhiều, đó là thất thoát vô hình. Một dự án bị chậm trễ không chỉ gây ra tổn thất về tài chính mà còn làm mất đi nhiều cơ hội phát triển kinh tế, làm gián đoạn tạo công ăn việc làm, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống và chất lượng cuộc sống của người dân.
Nói thêm về hiệu quả sử dụng đồng vốn, tiến sĩ Phạm Viết Thuận nhấn mạnh thêm về hiệu quả sử dụng đồng vốn và cho rằng tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại một số địa phương trong năm 2024 đang là một vấn đề đáng lo ngại. Điển hình như TP.HCM, dù được giao một nguồn vốn đầu tư công rất lớn, nhưng sau chín tháng đầu năm, tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 20,2%.
“Không thể giải ngân được vốn đầu tư công là một dạng lãng phí nghiêm trọng. Đầu tư 1 đồng từ ngân sách, Nhà nước có thể kích cầu đến 4 đồng từ nguồn đầu tư tư nhân. Việc giải ngân chậm trễ không chỉ làm ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, mà còn kìm hãm sự phát triển kinh tế tổng thể của TP”, ông Thuận phân tích.
“Thất hứa” giao mặt bằng, do đâu?
Sự ì ạch ở dự án trên từ đâu? Một cán bộ ở một đơn vị tham gia vào dự án này không cho nêu tên nói rằng: “Cốt lõi của việc chưa thể giao hết được mặt bằng đoạn cao tốc qua Đồng Nai là câu chuyện chuẩn bị tái định cư. Ở khu vực Long Thành có hai khu tái định cư đang xây dựng, còn hai khu tái đinh cư lớn ở phường Phước Tân, Tam Phước (TP Biên Hòa) bố trí cho dân ở phải giữa năm 2025 mới xong”.
Vị này cho hay hiện nay người dân ở dự án đang so sánh giá bồi thường và hỏi bố trí nhà ở xã hội ở đâu (trường hợp không đủ điều kiện tái định cư) nên xảy ra việc dùng dằng chưa bàn giao mặt bằng…
Thanh quyết toán 4 năm chưa xong
Cũng cùng số phận, dự án BOT đường nối Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM – Trung Lương dài 2,7km cũng đang hoang phế vì tạm dừng từ 2020 đến nay. Nguyên nhân vì Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (nhà đầu tư) vi phạm hợp đồng nghiêm trọng. Các sở ngành nhiều lần yêu cầu nhà đầu tư cung cấp tài liệu xác định khối lượng, giá trị hợp pháp đã thực hiện để đủ điều kiện thanh quyết toán theo quy định. Thế nhưng doanh nghiệp nhiều lần xin gia hạn với lý do vì hồ sơ tài liệu bị thất lạc. Chính vì vậy, sau bốn năm rà soát, hợp đồng dự án này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Cầu Rạch Miễu 2: xây đúng tiến độ ai cũng vui!
Ngày 18-10, ông Nguyễn Nam Phong, giám đốc Ban điều hành dự án cầu Rạch Miễu 2, cho biết đến nay tiến độ dự án đã đạt được khoảng 64,12%, tổng thể cơ bản đáp ứng theo kế hoạch. Riêng phần cầu chính cầu Rạch Miễu 2 đang vượt tiến độ 10% so với kế hoạch.
Trên toàn dự án có 6 cầu, hiện đã hoàn thành 3 cầu gồm cầu Mỹ Tho, cầu Tam Sơn và cầu Ba Lai. Ba cầu còn lại đang thi công gồm cầu Xoài Hột, cầu Sông Mã và cầu Rạch Miễu 2. Cầu Rạch Miễu 2, hay còn gọi là phần cầu chính, hiện đang vượt tiến độ và dự kiến cuối tháng 10-2024 sẽ hoàn thành 100% phần thân trụ tháp. Riêng phần đường dẫn ở cả hai hướng Bến Tre và Tiền Giang hiện các đơn vị thi công trên toàn bộ tuyến dài khoảng 14km.
Ông Phong cho biết hiện trên toàn dự án có khoảng 505 công nhân và cán bộ kỹ thuật thi công “3 ca, 4 kíp” với 32 mũi thi công. Dự kiến dự án sẽ về đích đúng tiến độ vào tháng 9-2025.
Nói về ý nghĩa của cây cầu Rạch Miễu 2, ông Trần Ngọc Tam, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: “Công trình cầu Rạch Miễu 2 có ý nghĩa rất lớn: Thứ nhất, cầu Rạch Miễu 2 sẽ góp phần giải phóng tình trạng ùn tắc giao thông trên cầu Rạch Miễu hiện hữu. Thứ hai, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội không chỉ cho Bến Tre mà là liên vùng và kết nối giữa khu vực ĐBSCL, trong đó có tỉnh Bến Tre, với TP.HCM”.
Trong tháng 10-2024, tỉnh Bến Tre đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2024 với chủ đề “Tầm nhìn hướng đông và tiềm năng phát triển bền vững”. Tại sự kiện này, 23 doanh nghiệp ký hợp tác chiến lược, cam kết đầu tư khoảng 300.000 tỉ đồng vào Bến Tre.
Tại hội nghị này, nhiều nhà đầu tư đã chia sẻ lý do chọn tỉnh Bến Tre để làm ăn bởi hiện nay nhiều dự án cầu đường đang được đầu tư nối giữa tỉnh Bến Tre với các tỉnh lân cận. Việc rút ngắn tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2 không chỉ tạo động lực cho tỉnh Bến Tre thu hút đầu tư, phát triển kinh tế mà còn giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiền của.
Ông Lê Hoàng Minh (48 tuổi), nhà thầu xây dựng ở Bến Tre, cho biết: “Khi nhận công trình ở phía Tiền Giang, dù chỉ cách khoảng 10km nhưng qua lại giữa hai tỉnh rất vất vả vì cầu Rạch Miễu kẹt xe thường xuyên, lỡ hết công việc”. “Cứ mỗi lần nghe thông tin dự án thi công vượt tiến độ, tui vui lắm, chắc đây cũng là niềm vui chung của nhiều người chứ không riêng giới làm ăn như tụi tôi đâu”, ông Minh nói thêm.
Dự án cầu Rạch Miễu 2 có điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (nút giao giữa quốc lộ 1 với đường tỉnh 870) thuộc địa phận huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang); điểm cuối dự án tại quốc lộ 60, cách mố cầu Hàm Luông khoảng 700m, thuộc TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre). Chiều dài dự án hơn 17km với tổng mức đầu tư hơn 6.810 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.