Tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng quý 3, diễn ra chiều 17-10, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã cho biết như vậy.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về thông tin chính thức chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng 0 đồng, ông Nguyễn Đức Long – phó chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, cho biết chiều 17-10 (16h) sẽ diễn ra lễ chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng.
Cụ thể, ngân hàng TMCP Xây dựng (CBBank) được chuyển giao cho Vietcombank. Ngân hàng TMCP đại dương (Oceanbank) được chuyển giao cho MBBank.
Vậy, quyền lợi của người gửi tiền sau chuyển giao bắt buộc được đảm bảo như thế nào? Ông Long trả lời mục tiêu của chuyển giao bắt buộc là nhằm giúp các ngân hàng yếu kém khắc phục khó khăn, đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định pháp luật.
“Trước, trong và sau quá trình chuyển giao, tiền gửi của người gửi tiền hoàn toàn được đảm bảo”, ông Long khẳng định.
Về quyền lợi của ngân hàng nhận chuyển giao, cũng theo ông Long, ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được biện pháp hỗ trợ theo quy định.
Còn 1 ngân hàng 0 đồng còn lại và ngân hàng TMCP Đông Á sẽ chuyển giao cho trong thời gian sớm nhất. Hiện các công việc đang tích cực triển khai theo đề án đã được phê duyệt.
Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu để tổ chức lễ chuyển giao hai ngân hàng 0 đồng.
Hai ngân hàng còn lại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Chính phủ cho biết đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc gồm CBBank, OceanBank và, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và một ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á.
Trong đó, 2 ngân hàng thuộc diện mua lại bắt buộc là CBBank và OceanBank đã có phương án xử lý.