Nhiều người Hàn cho biết đã ăn phở mỗi ngày, kéo dài trong nhiều năm do sự phong phú về chủng loại phở với hương vị khác nhau và đều rất ngon.
“Hễ ăn gì là nghĩ ngay đến phở”
Sang Việt Nam được 2 năm để dạy tiếng Anh cho cộng đồng người Hàn tại Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM), Kim Da Som (người Seoul) cho biết khi được ai hỏi ấn tượng nhất với món ăn gì của Việt Nam, cô sẽ nói ngay là phở.
Theo lời Kim Da Som, cuối tháng 6-2022, cô đặt chân đến Việt Nam và quyết định ở đây trong thời gian dài. Từ sân bay về nơi thuê nhà, dù rất đói nhưng cô vẫn cố nhịn. Sáng hôm sau, một người bạn hỏi muốn ăn gì, chẳng hiểu vì sao Kim Da Som nói là phở.
“Và một tô phở tại Việt Nam mà tôi được ăn, có lẽ không bao giờ quên. Trước tiên là giá phải chăng; sau đến nguyên liệu thịt bò thái lát mỏng tươi ngon, bánh phở mềm thơm mùi gạo, nước dùng ngọt thanh. Tôi chấm điểm 10”, cô giáo người Hàn kể lại.
Sau 2 năm đã thành “thổ địa” ở khu “phố Hàn”, tức khu Phú Mỹ Hưng vì ở đây tập trung nhiều người Hàn Quốc sinh sống và làm việc, Kim Da Som đã rành nhiều ngóc ngách, biết nhiều quán phở miền Nam, phở miền Bắc và có thể phân biệt vị đặc trưng.
“Người Hàn hay ăn thịt nướng, thịt bò, thịt gà tươi ướp gia vị mặn ngọt nên vị ngọt của phở miền Nam phù hợp với tôi và cả những bạn bè người Hàn đang ở TP.HCM. Thịt nướng ở Hàn ăn kèm với rau, nên tôi cũng quen ăn thịt kèm rau. Vì thế phở thịt bò tái, ăn kèm nhiều rau thơm là loại tôi thích nhất trong các loại phở”, Kim Da Som cho biết.
Dọc quanh các tuyến đường trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu Sky Garden… có rất nhiều quán ăn Hàn Quốc, quán ăn Việt Nam phục vụ nhu cầu thưởng thức của người Hàn xa quê. Nhưng đa số người Hàn, dù trung niên hay người trẻ, đều rất thích phở và chọn phở như một món ăn gắn bó.
“Tôi rất thích ăn phở Việt Nam. Phở Hà Nội hay phở bán ở TP.HCM đều ngon vì thịt rất tươi. Mùi thơm của thịt không lẫn vào đâu được, nên gần 10 năm qua, hễ ăn gì là nghĩ ngay đến phở” – bà Sang Hee (60 tuổi, đang sống cùng con trai và con dâu người Việt ở quận 7) chia sẻ.
Phở Việt vừa có thịt tươi thơm ngon, vừa có nước dùng nóng hổi như món xúp, lại có thêm rau, ớt xanh và tỏi. Cuộn thịt bò, cùng rau cùng phở đưa vào, vị rất kích thích lôi cuốn. Dù thường xuyên ăn phở Việt nhưng lúc nào tôi cũng có cảm giác thòm thèm.
Anh Lee Yong See (môi giới bất động sản cho người Hàn tại VN, chia sẻ cảm nhận về phở sau 5 năm sống ở Việt Nam)
Những địa chỉ quen thuộc của khách Hàn
Dọc những tuyến đường Bùi Bằng Đoàn, Phạm Văn Nghị, Lê Văn Thiêm (quận 7)…, đa số các quán ăn phục vụ người Hàn là chính. Ngoài những quán thịt nướng, những nhà hàng Hàn Quốc, có những quán phở Việt “rất Hàn” bởi cách đặt tên, để thu hút thực khách.
Nằm đầu đường Phạm Văn Nghị (khu Sky Garden 3, Phú Mỹ Hưng), cái tên “Phở Sung” khiến không ít người nghĩ đây là quán phở của người Hàn Quốc. Với bánh phở tráng tay, thực đơn phong phú như phở tái, nạm, bò viên, sườn bò cây tái nạm…, trong một giờ đồng hồ quan sát, khách Hàn bước chân vào quán khá đông.
Chị Nguyễn Võ Quỳnh Như, chủ quán Phở Sung, cho biết tên “Sung” là tên của ông nội chồng, người đã mở quán phở tại Hà Nội từ năm 1945 nhưng bị thất truyền. Vợ chồng chị mở quán phở ở đây để gầy lại nghề của gia đình.
“Đây là khu người Hàn sinh sống nhiều, tên người ông giống cách phát âm tên, họ của người Hàn nên chọn làm tên quán. Chính vì tên “rất Hàn” nên quán rất hút khách. Có hôm nguyên đoàn khách Hàn vào chật cứng, họ nói vào “quán quen” ăn phở”, chị Như cười nói.
Với mức giá khá mềm và có nhiều kích cỡ, chẳng hạn phở nhỏ 55.000 đồng/tô, phở thường 65.000 đồng/tô và tô đặc biệt đầy đủ có giá 100.000 đồng/tô…, mỗi ngày quán Phở Sung bán được khoảng 120-150 tô. Nếu như khách Trung Quốc đến Phở Sung hay chọn sườn bò cay thì người Hàn Quốc hay chọn phở tái nạm.
“Tôi chọn thịt bò rất kỹ, thớ thịt tươi, chắc tay, đỏ thẫm, thịt nóng mới ra lò để vừa lòng, vừa miệng thu hút khách Hàn. Bánh phở cũng tráng tay và cắt làm tại đây, nóng, mềm…”, chị Như chia sẻ thêm.
Ngoài việc tìm cách hút khách Hàn bằng cách đặt tên quán, các quán phở có lợi thế về thương hiệu cũng “níu” chân không ít khách nước ngoài, đặc biệt khách Hàn ở “phố Hàn”. Nằm ngay ngã tư lớn trên đường Bùi Bằng Đoàn (khu Hưng Vượng 2, phường Tân Phong, quận 7), quán Phở Việt Nam lúc nào cũng đông khách.
Chị Anh Thư – nhân viên phục vụ – chia sẻ: “Khách nước ngoài, khách Hàn vào quán phở bằng cách nhận diện thương hiệu. Có khách Hàn Quốc nói tiếng Việt đùa với nhân viên, đã “phở” rồi còn “Việt Nam” thì chắc là đúng thương hiệu, là quán ngon. Thực tế, quán phở này đã phát triển thành chuỗi ở các quận khác, cũng là lợi thế về uy tín để hút khách”.
Thành lập “Phố thương mại – ẩm thực Sky Garden” phục vụ khách ngoại, đặc biệt khách Hàn
Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, nửa đầu năm 2024, TP.HCM đón hơn 2,6 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách du lịch Hàn Quốc đạt gần 500.000 lượt, dẫn đầu thị trường khách du lịch quốc tế. Phần lớn người Hàn sinh sống, tập trung chính tại khu Phú Mỹ Hưng (phường Tân Phong, quận 7).
Theo lãnh đạo UBND phường Tân Phong, sắp tới địa phương sẽ thành lập “Phố thương mại – ẩm thực Sky Garden” để phục vụ khách nước ngoài, đặc biệt là khách Hàn Quốc tại “phố Hàn”.
Các cơ sở kinh doanh đã được hướng dẫn các thủ tục hồ sơ pháp lý để tạo ra khu vực chuyên kinh doanh thương mại, ẩm thực có tính đặc trưng, truyền thống như món phở để phục vụ khách nước ngoài.
“Ở TP.HCM, nói đến khu người Hàn Quốc, mọi người sẽ nghĩ ngay đến quận 7, khu vực phường Tân Phong nên chúng tôi hy vọng sẽ phát triển được du lịch, ẩm thực Việt nơi đây”, vị này nói.