“Biển báo là tài sản của doanh nghiệp, sao lại tự ý đi phá? – đó là quan điểm của ông Nguyễn Viết Hải, chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải, khi được hỏi về việc biển ghi “Tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành 10 năm” trên cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu bị phá hoại.
Ông Hải cũng khẳng định biển báo này là tài sản của doanh nghiệp thì không ai được phá hoại.
Hành vi phá hoại tài sản của Tập đoàn Sơn Hải quá ngang nhiên
Hàng trăm ý kiến đã bày tỏ sự ngạc nhiên: “Từ khi nào doanh nghiệp làm ăn chân chính đóng góp vào sự phát triển của giao thông lại bị đối xử như thế? Đề nghị công an điều tra và xử lý thật nghiêm để răn đe”, bạn Hưng Thịnh nói.
Đề nghị điều tra nhóm dùng xe tải có cẩu nâng phá nhiều biển báo trên cao tốc
Hàng loạt ý kiến bạn đọc đều cho rằng việc làm này chứng tỏ những người phá hoại quá ngang nhiên. “Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc…”, bạn Pha đề nghị.
Một số bạn đọc cho rằng đây là hành vi phá hoại tài sản, gây mất an toàn trên đường cao tốc.
Một bạn đọc khác chỉ biết thở dài: “Làm việc tốt cũng không yên”.
Chất lượng đường của Tập đoàn Sơn Hải thi công lâu nay được một số người đưa ra đối chiếu. Nhiều lời khen đã dành cho tập đoàn này và coi đây là hình mẫu cho những doanh nghiệp khác noi theo, để xây dựng đất nước giàu mạnh.
“Tôi đi trên cao tốc của Sơn Hải làm thấy mặt đường quá đẹp, biển cảnh báo an toàn rõ ràng lắm. Ủng hộ những tập đoàn làm ăn có tâm vì đất nước, vì nhân dân”, bạn Lânsg kể.
Biển báo hay biển thông báo?
Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài “Tập đoàn Sơn Hải sửng sốt với nhóm người ngang nhiên phá hoại nhiều biển báo cao tốc”, vấn đề biển báo của tập đoàn này ghi chữ có đúng quy định không được tranh luận khá gay gắt.
Bạn đọc Phú Dương cho rằng cái này không phải là phá hoại biển báo, mà là gỡ bỏ dòng chữ không đúng quy định trên biển báo. “Chắc làm theo yêu cầu của cơ quan quản lý vì không ai dám làm vậy”, bạn này nói.
Một bạn đọc khác tên Nam cũng đồng quan điểm khi nói cái này chắc không phải phá hoại, mà ghi chung quảng cáo Tập đoàn Sơn Hải bảo hành trên biển báo giao thông là không đúng quy định pháp luật nên người ta xóa dòng chữ đó là đúng.
Còn doanh nghiệp muốn ghi bảo hành 10 năm thì phải ghi trên một tấm bảng riêng và đặt ở một nơi phù hợp khác.
Tuy nhiên, quan điểm này đã có nhiều người phản đối vì cho rằng đây là tài sản của doanh nghiệp. Nếu là tài sản của doanh nghiệp thì khi cơ quan hay tổ chức nào muốn thay đổi phải có văn bản thông báo, chứ không thể tự ý phá đi.
“Nếu Tập đoàn Sơn Hải gắn biển báo không đúng quy định thì các cơ quan có trách nhiệm quản lý sẽ phải yêu cầu Tập đoàn Sơn Hải gỡ và thay biển báo.
Còn việc gỡ bỏ nhiều biển báo giao thông như Tập đoàn Sơn Hải trình bày như trên có dấu hiệu phá hoại là có cơ sở. Nếu không nói là vi phạm pháp luật. Những hành động như vậy cần phải làm rõ và xử lý theo đúng pháp luật”, bạn Minh Châu nói.
Bạn đọc Nguyễn Đức cũng đồng tình khi nói nếu biển báo của Tập đoàn Sơn Hải không đúng thì chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền gỡ.
“Cơ quan chức năng trước khi gỡ họ sẽ có thông báo cho Sơn Hải biết, chứ làm gì có chuyện gỡ khơi khơi thế”, Đức nói.
Bạn đọc tên Dung thì đưa góc nhìn thận trọng hơn: “Theo tôi, cần xem lại biển giao thông đường bộ có cho phép ghi dòng chữ “… bảo hành…” hay không? Nếu không cho phép thì doanh nghiệp có thể xin phép cắm một biển riêng.
Tập đoàn Sơn Hải nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online vào tối 1-11, ông Nguyễn Viết Hải, chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải, khẳng định biển báo này là tài sản của doanh nghiệp. Nhưng được doanh nghiệp thiết kế theo đúng chuẩn của ngành giao thông với các nguyên tắc đảm bảo an toàn, không phải là biển báo của ngành giao thông.
Bất cứ sự xâm phạm tự ý nào đều hành vi vi phạm pháp luật, vì thế tập đoàn này mới làm đơn tố giác tội phạm kèm hình ảnh làm bằng chứng gửi đến Công an tỉnh Thanh Hóa.
“Đây là biển thông báo, chứ không phải là biển báo giao thông. Nội dung của thông báo này là cam kết thời hạn bảo hành của doanh nghiệp, để người dân nhìn vào đó mà giám sát chất lượng đường do Tập đoàn Sơn Hải làm”, ông Hải cho hay.