Chứng khoán lùi sâu về vùng 1.250 điểm
VN-Index mở cửa phiên giao dịch đầu tháng 11 trong sắc đỏ nhẹ và giằng co dưới tham chiếu. Đến cuối phiên sáng, lực bán chủ động ở mức thấp nhưng cầu chủ động cũng suy yếu, khiến chỉ số vẫn mất 4 điểm.
Sang phiên chiều, thị trường vẫn giao dịch tương đối giằng co. Sau 14h, sắc đỏ áp đảo hơn và phủ trên diện rộng. Toàn thị trường có gần 500 cổ phiếu bị điều chỉnh.
Thậm chí VN-Index đã rơi tới 20 điểm, khi chỉ chưa đầy 30 phút nữa thị trường sẽ đóng cửa. Một loạt mã trong VN30 bị bán giá sàn khiến chỉ số rơi “tự do”.
Nhưng sau đó đà rơi chững lại khi những mã này chuyển lại dần về sắc đỏ thay vì màu xanh lơ. Kết phiên, chỉ số đại diện sàn TP.HCM mất gần 10 điểm, lùi sâu hơn về mốc 1.254 điểm.
Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường là 16.000 tỉ đồng, phần nào thể hiện sự thận trọng trong giao dịch của giới đầu tư.
Tổng kết, sắc đỏ hôm nay đã chiếm ưu thế hơn ở các nhóm ngành. Trong đó nhóm cổ phiếu tổ chức tín dụng mất gần 1%, còn nhóm bất động sản mất 0,6%.
Ngành phân phối bán lẻ và nhóm viễn thông hôm nay chịu áp lực giảm mạnh nhất, lần lượt 3,8% và 4,1%…
Trên sàn TP.HCM, có 289 cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, trong khi chỉ có 86 mã duy trì sắc xanh. Ở nhóm VN30, 25 mã cổ phiếu trong diện bị điều chỉnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Trương Mạnh Hiếu – trưởng phòng phân tích chiến lược Chứng khoán KIS Việt Nam – cho biết hôm nay là phiên cuối cùng các quỹ cơ cấu danh mục. Ở các phiên này, thường sẽ có những biến động giá gần về cuối phiên.
“Nếu quan sát thì thấy vào khoảng 14h30 chiều, nhiều cổ phiếu về giá sàn hàng loạt. Nhưng về cơ bản thị trường không có thông tin hay biến động gì bất thường cả. Sau đó, các cổ phiếu cũng hồi trở lại. Đà rơi của thị trường đã giảm dần”, ông Hiếu phân tích.
Tại một số hội nhóm chứng khoán, nhiều môi giới cũng lý giải với khách hàng việc phiên hôm nay sự cơ cấu danh mục từ các quỹ, nên ít nhiều có các biến động ngay đầu ATC.
Lệnh ATC diễn ra trong 15 phút cuối cùng của phiên giao dịch, từ 14h30 đến 14h45, nhưng có hiệu lực lớn nhất, quyết định giá tham chiếu của phiên hôm sau.
Khối ngoại vẫn bán ròng sau khi Fed hạ lãi suất
Dù kỳ vọng khối ngoại sẽ giảm bán ròng sau khi Fed hạ lãi suất, nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Trong tháng 10, khối này tiếp tục bán ròng khoảng 14.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong phiên đầu tiên tháng 11, khối ngoại lại bán ròng hơn 700 tỉ đồng. Top cổ phiếu bị khối này “xả” mạnh nhất là MSN của Masan (gần 250 tỉ đồng), VHM của Vinhomes (160 tỉ đồng, FPT (37 tỉ đồng)…
Bà Trần Thị Khánh Hiền, giám đốc khối phân tích Chứng khoán MB (MBS), cho biết không nên kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ ồ ạt quay trở lại Việt Nam kể khi lãi suất đảo chiều. Trước mắt, chỉ kỳ vọng đà bán tháo của khối ngoại sẽ giảm bớt để cải thiện tâm lý thị trường.
Theo bà Hiền, vấn đề chủ yếu để giải thích việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn hoặc chưa tìm đến thị trường Việt Nam vì chưa có những sản phẩm mới mẻ, hấp dẫn.
Đơn cử, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang ưa thích các cổ phiếu “hot trend” như công nghệ, nhưng thị trường Việt Nam lại rất vắng bóng nhóm này.
Chưa kể gần đây áp lực tỉ giá quay trở lại khi đồng USD mạnh lên đáng kể. Ngân hàng Nhà nước cũng phải đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát tỉ giá, trong đó có việc hút tiền về qua kênh tín phiếu. Diễn biến này có tác động đáng kể tới tâm lý thị trường chứng khoán.
Mặc dù vậy, bà Hiền cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những điểm sáng hỗ trợ để hút dòng vốn như định giá thị trường đang ở vùng hấp dẫn cho hoạt động đầu tư, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phục hồi vững chắc hơn, tăng trưởng GDP cao, lãi suất ở mức thấp…