Tại Hội thảo “Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp cần làm gì?” do tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 18-10 tại Hà Nội, TS Phan Đăng Tuất – chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), bày tỏ lo ngại về việc 3 “ông lớn” bán lẻ Trung Quốc Temu, Taobao và 1688 đổ bộ vào Việt Nam và đang tạo ra một cơn sốt hàng giá rẻ thời gian gần đây trên các nền tảng thương mại điện tử.
Hàng Việt đang mất lợi thế trên sân nhà
“Họ bán hàng hóa giá rẻ hơn chúng ta và không thu tiền ship… Nhiều doanh nghiệp trong nước đang lo sợ điều này sẽ tác động tiêu cực đến họ. Các doanh nghiệp thương mại cần có giải pháp ứng phó với 3 ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc để hàng hóa Việt có cơ hội”, ông Tuất nhấn mạnh.
Một khó khăn khác các doanh nghiệp đang phải đối mặt theo ông Tuất là ngành công nghiệp hỗ trợ – hạt nhân của công nghiệp chế tạo, của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang bị một lực lượng bên ngoài muốn mua lại. Đây là những rủi ro mà doanh nghiệp đang lo sợ, “chứ rủi ro xanh với số còn xa tít”.
Ông Tuất nói thêm: “Đúng là ‘chuyện số, xanh’ quan trọng nhưng đang có xu hướng doanh nghiệp lo sợ quá nên làm cho có, rất nguy hiểm. Vì vậy, cần lập một nhóm chuyên gia tư vấn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp lớn. Nhóm chuyên gia sẽ lập lộ trình chi tiết giúp doanh nghiệp ứng phó ngay với các thách thức gần nhất của xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”.
Trong khi đó theo ông Kelvin – chủ tịch Hiệp hội định cư Canada, vừa qua một số doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ ý muốn “mượn” Việt Nam để tránh bị Mỹ đánh thuế lên tới 80% với hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc.
Trung Quốc từng yêu cầu nước ngoài chuyển giao công nghệ để sản xuất hàng “made in China”, thì lúc này Việt Nam cũng có thể yêu cầu điều tương tự. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể mượn hệ thống bán hàng xuyên biên giới của Trung Quốc để bán hàng sang nước khác”.
Đề xuất đầu tư hệ thống thương mại miễn phí để bán hàng Việt
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Đường (Đường bia), chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình (Công ty TNHH Hòa Bình), cho hay từ năm 2014 ông đã xây dựng một nhà máy sản xuất nước ngọt có gas. Năm 2016 sản phẩm nước ngọt có gas được đưa ra thị trường nhưng không bán được vì thiếu sự hỗ trợ của hệ thống bán lẻ.
Đến năm 2017, Coca-cola đến đặt vấn đề, doanh nghiệp phải ký hợp đồng thuê Tập đoàn Hòa Bình gia công sản xuất nước có gas.
Giải thích về chuyện doanh nghiệp làm chủ công nghệ sản xuất nước ngọt có gas nhưng vẫn phải đi gia công thuê cho Coca-cola, ông Đường kể: “Tôi sản xuất ra sản phẩm nhưng mang vào Lotte không mua, Big C không mua… Tôi mang sản phẩm vào Co.opmart nhờ mà họ cũng không mua.
Vì thế, cái quan trọng nhất là doanh nghiệp trong nước phải lấy lại được hệ thống thương mại, làm chủ được hệ thống thương mại thì mới hỗ trợ được doanh nghiệp sản xuất”.
Để gỡ khó cho sản xuất trong nước, năm 2015, ông Đường đã có đề án gửi Chính phủ, Quốc hội đề xuất xây dựng trung tâm thương mại miễn phí mặt bằng bán hàng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Chúng tôi có những mặt hàng tự sản xuất như bia, nước ngọt, sữa, bánh ngọt, xúc xích và muốn lấy lợi nhuận từ bán các sản phẩm này để trả lãi vay đầu tư trung tâm thương mại.
Trung tâm này sẽ mua bảo hiểm hàng hóa và cả thế giới có thể đến bán hàng ở đây với giá rẻ nhất. Nếu có hệ thống thương mại tốt, doanh nghiệp sẽ phát triển nhanh hơn”, ông Đường trình bày.