Ông Nguyễn Đức Thọ, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết như vậy tại Hội thảo Hải Phòng điểm sáng phát triển nhà ở xã hội, do Sở Xây dựng Hải Phòng phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức ngày 16-8.
Giúp người dân dễ tiếp cận nhà ở xã hội
Để tránh tình trạng trục lợi trong mua bán nhà ở xã hội, Hải Phòng đã thực hiện quy trình công khai các dự án, giá cả, tiêu chuẩn với người mua. Điều này giúp người thực sự có nhu cầu mua nhà có thể tiếp cận được nhà ở xã hội.
Cũng theo ông Thọ, để hoàn thành 33.000 căn nhà ở xã hội theo nhiệm vụ Chính phủ giao trong đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030, trong giai đoạn 2021 – 2025 thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 15.400 căn và giai đoạn 2026 – 2030 hoàn thành 18.100 căn.
Bên cạnh đó thành phố cũng chủ trương phát triển nhà ở xã hội theo 3 tiêu chí: vị trí tốt, chất lượng tốt và giá cả tốt.
Các dự án được triển khai ở khu vực trung tâm hoặc gần khu công nghiệp, chất lượng tiệm cận nhà ở thương mại.
Ngoài ra Hải Phòng cũng ban hành nghị quyết cải tạo 178 chung cư cũ trên địa bàn gắn với phát triển nhà ở xã hội.
Đến 2025 sẽ hoàn thành 15.400 căn nhà ở xã hội
Vtheo báo cáo của UBND TP đến nay đã có 9 dự án khởi công xây dựng, quy mô xây dựng khoảng 15.400 căn, trong đó có các dự án như: khu nhà nhà ở xã hội 384 Lê Thánh Tông, khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên, khu nhà ở xã hội khu vực Tràng Duệ, khu nhà ở xã hội Tràng Cát.
Thành phố còn có 21 dự án đã được trao chủ trương đầu tư, đang triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành hoặc có sản phẩm đưa ra thị trường từ nay đến 2030.
Về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, Hải Phòng đã bố trí 42 vị trí đất để phát triển nhà ở xã hội, tổng diện tích đất khoảng 500ha.
Chia sẻ kinh nghiệm để phát triển nhà ở xã hội của Hải Phòng, ông Thọ cho hay thành phố đã chủ động rút ngắn thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, trong đó có dự án giải quyết xong thủ tục chưa đến 6 tháng.
Đồng thời quyết liệt đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hải Phòng, Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư và người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội.
Thành phố cũng nghiêm cấm phiền hà, sách nhiễu, thu phí chênh lệch, tạo điều kiện huận lợi nhất cho người dân.
Khó đạt mục tiêu 1 triệu căn hộ
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Sinh, thứ trưởng Bộ Xây dựng thông tin vừa rồi Quốc hội đã thông qua 4 luật quan trọng về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tín dụng.
Hệ thống chính sách pháp luật về nhà ở có nhiều điểm mới rõ rệt, đã thể chế hoá chủ trương chính sách nhà ở, nhất là nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân khu công nghiệp.
Luật cũng tăng phân cấp, phân quyền trong thực hiện dự án, cải cách thủ tục hành chính trong triển khai dự án.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, 5 vấn đề với phát triển nhà ở xã hội là quỹ đất, quy hoạch, thủ tục, vốn và đầu ra.
Ông Đính nói: sự khác biệt trong phát triển nhà ở xã hội của Hải Phòng so với các địa phương khác là thành phố đã bố trí sớm được quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Đây là thành công của Hải Phòng, khắc phục tình trạng thiếu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Dự báo về nguồn cung nhà ở xã hội thời gian tới, ông Đính nhận định các quy định sửa đổi sẽ góp phần giải quyết tình trạng vừa yếu vừa ế của nhà ở xã hội tại một số địa phương thời gian qua.
Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ được cải thiện trong những tháng cuối 2025, và trong các năm 2026 và 2027, nguồn cung sẽ bổ sung thêm khoảng 200.000 căn. Tuy nhiên, mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến 2030 khó hoàn thành. Để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, ông Đính kiến nghị sớm nâng gói tín dụng 120.000 tỉ đồng lên 140.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi hơn