Dữ liệu từ Fiingroup, dư nợ cho vay margin thống kê từ báo cáo tài chính của 62 công ty chứng khoán – đại diện 99% tổng vốn chủ sở hữu toàn ngành – đạt gần 219.000 tỉ đồng (gần 8,6 tỉ USD) tại thời điểm cuối quý 2-2024.
Tỉ lệ đòn bẩy cao nhất lịch sử khi dư nợ margin trên tổng vốn hóa thị trường ở mức 9,4%. Mức đỉnh vừa thiết lập này vượt qua kỷ lục cũ (gần 185.000 tỉ đồng) thời điểm quý 1-2022.
Thanh khoản chứng khoán thấp, tiền chạy đi đâu?
Nhớ lại thị trường chứng khoán quý đầu năm 2022 rất sôi động, VN-Index vượt mốc 1.500 điểm. Nhưng quý 2 năm nay, VN-Index loanh quanh mãi vùng 1.200, nhà đầu tư giao dịch “uể oải”.
Cũng dễ nhận thấy thanh khoản thị trường quý 2 gần như đi ngang so với quý liền trước, “không đồng pha” với diễn biến về dư nợ cho vay margin.
Ông Nguyễn Quang Thuân – chủ tịch Fiingroup – chỉ ra rằng dư nợ cho vay ở các công ty có thị phần lớn phục vụ nhà đầu tư cá nhân trong nước không tăng mấy, thậm chí hầu hết giảm.
“Trong bối cảnh thanh khoản bình quân ngày không tăng so với quý 1-2024, mặc dù giao dịch của tài khoản cá nhân mua ròng nhiều nhưng không thể hấp thụ nổi số tăng margin trong quý 2 vừa qua”, ông Thuân bình luận.
Dữ liệu từ Fiingroup cho thấy 39.600 tỉ đồng mua ròng trên HoSE trong khi số dư margin tăng tận 22.600 tỉ đồng trong quý 2-2024.
Số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán cũng giảm 9,9% so với cuối quý 1 năm nay, về 94.130 tỉ đồng vào thời điểm cuối tháng 6-2024.
Ông Thuân lý giải sự tăng trưởng của margin một phần lớn liên quan đến các giao dịch cổ đông lãnh đạo hoặc cổ đông lớn mua lại các lô cổ phiếu lô lớn thỏa thuận, trong đó có từ việc một số nhà đầu tư nước ngoài đã bán.
Cũng bởi vậy lãnh đạo công ty phân tích dữ liệu lớn trên thị trường Fiingroup cho rằng rủi ro thị trường do margin sẽ không lớn, nếu thị trường vẫn “side-way” (đi ngang) như hiện nay.
Bình luận với Tuổi Trẻ Online, một số chuyên gia phân tích chứng khoán đồng quan điểm dư nợ tại các công ty chứng khoán nhiều khả năng chủ yếu từ các “giao dịch” lớn của các ông chủ/các cổ đông lớn của doanh nghiệp, chứ không phải từ các nhà đầu tư cá nhân.
Trong quá khứ, khi dư nợ margin thường tăng mạnh khi thị trường đạt đỉnh và dòng tiền cho vay lúc này chủ yếu hấp thụ bởi nhà đầu tư cá nhân trong nước – lực lượng chiếm áp đảo giá trị giao dịch trên thị trường.
Công ty nào “top” đầu cho vay margin?
Dư nợ cho vay margin toàn thị trường lập kỷ lục, nhưng tốc độ gia tăng ở mỗi công ty chứng khoán khác nhau tùy thế mạnh về nguồn vốn, lãi suất, thị phần môi giới…
Đứng đầu thị trường về dư nợ vay margin là Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) – một công ty con của Techcombank – với 24.198 tỉ đồng ở cuối quý 2-2024, tăng gần 27% so với quý liền trước và tăng gần 50% so với cuối năm ngoái.
Với mức cho vay ký quỹ xấp xỉ 1 tỉ USD – đây cũng được coi là dư nợ cho vay cao nhất mà một công ty chứng khoán từng đạt được ở thị trường Việt Nam.
Đứng thứ hai toàn thị trường là Chứng khoán SSI. Cho vay ký quỹ cuối quý 2 của SSI đạt 19.596 tỉ đồng, tăng gần 34% so với đầu năm.
“Đáng nể” không kém, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) ghi nhận dư nợ cho vay ký quỹ 18.542 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 6 này, tăng gần 53% so với đầu năm.
Nhờ sự tăng tốc nhanh chóng, HSC đã giành vị trí top 3 các công ty cho vay margin lớn nhất thị trường từ Mirae Asset. Nhiều công ty cũng gia tăng dư nợ cho vay trong quý 2 này như MBS, TPS, ACBS…
Theo quy định, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu.
Lý do thanh khoản chứng khoán thấp trong quý 2-2024
Chứng khoán KB (KBSV) cho biết quý 1-2024, lãi suất huy động đã xuống mức thấp kỷ lục. Theo đó, VN-Index tăng 25% trong 5 tháng liên tiếp, thị trường giao dịch diễn ra sôi động với nhiều phiên đạt giá trị trên 1 tỉ USD.
Tuy nhiên lãi suất huy động tăng trở lại trong quý 2 trước áp lực từ tỉ giá đã gây ảnh hưởng lên tâm lý thị trường. VN-Index theo đó chứng kiến những nhịp điều chỉnh mạnh, thanh khoản giao dịch ở mức thấp, nước ngoài liên tục bán ròng…
KBSV cho rằng mặt bằng lãi suất trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục nhích nhẹ, mặc dù vẫn ở mức thấp và chưa gây ra nhiều tác động tiêu cực nhưng sẽ không còn là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán như giai đoạn trước.