Trong báo cáo công bố ngày 25-7, Tổ chức Oxfam cho biết tài sản của 1% dân số giàu nhất thế giới đã tăng tổng cộng 42.000 tỉ USD trong thập niên qua.
Thông tin được đưa ra ngay trước thềm hội nghị của các lãnh đạo tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rio de Janeiro (Brazil), với chương trình nghị sự tập trung vào vấn đề đánh thuế những người siêu giàu.
Con số 42.000 tỉ USD này cao hơn gần 36 lần so với tài sản mà 50% dân số nghèo trên thế giới tích lũy được.
Tuy nhiên, mức thuế đánh vào nhóm 1% người giàu nhất thế giới đã giảm xuống “mức thấp lịch sử” và các tỉ phú chỉ phải nộp mức thuế tương đương chưa đến 0,5% tài sản của họ.
Tổ chức Oxfam lên tiếng cảnh báo về “mức độ vô lý” của bất bình đẳng giàu – nghèo, khi phần còn lại của thế giới “bị bỏ lại và phải tranh giành những gì còn sót” với tài nguyên và cơ hội đều bị hạn chế.
Theo đó, tại hội nghị diễn ra ngày 25 đến 26-7 ở Rio de Janeiro, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G20 nhiều khả năng sẽ đạt được tiến bộ trong vấn đề tăng thuế đối với giới siêu giàu và ngăn chặn các tỉ phú trốn thuế.
Vấn đề này dự kiến sẽ là chủ đề tranh luận gay gắt tại hội nghị. Pháp, Tây Ban Nha, Nam Phi, Colombia, nước chủ nhà Brazil và Liên minh châu Phi (AU) ủng hộ tăng thuế, trong khi Mỹ – quốc gia có số người siêu giàu nhiều nhất thế giới, kiên quyết phản đối.
Oxfam gọi đây là “phép thử thực sự đối với chính phủ các nước G20”, thúc giục họ áp dụng thuế tài sản ròng hằng năm ít nhất là 8% với “lượng tài sản cực lớn” của những người siêu giàu.