Trong tuyên bố, Volocopter nhấn mạnh, cho dù đã thực hiện mọi nỗ lực gây quỹ mạnh mẽ gần đây, việc tìm ra giải pháp khả thi để duy trì hoạt động thường xuyên mà không xin bảo hộ phá sản là điều không thể.
Công ty này xác nhận đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 26-12, và đặt mục tiêu tái cấu trúc vào cuối tháng 2-2025.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới trong năm 2024, giám đốc điều hành Volocopter từng nhấn mạnh rằng trong ngành xe điện cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng (eVTOL) với công nghệ phức tạp và đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, các công ty phải trông chờ cả vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Ra đời vào năm 2011, Volocopter đề ra mục tiêu đưa mẫu taxi bay Volocity chạy bằng điện với 2 chỗ ngồi thâm nhập thị trường vào năm 2025. Tuy nhiên, công ty này đã gánh chịu thất bại khi phải hủy các chuyến bay thử nghiệm tại thủ đô Paris (Pháp) dịp Olympic mùa hè năm nay khi chứng nhận cho động cơ máy bay của công ty này không được thông qua kịp thời.
Vào tháng 12 này, Volocopter cho biết mẫu máy bay Volocity đã đáp ứng 75% các tiêu chí do Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) đặt ra.
Nhà sản xuất này cũng đang nghiên cứu một mẫu máy bay 5 chỗ ngồi mà họ hy vọng sẽ “trình làng” vào năm 2027.
Những công ty khởi nghiệp mới gia nhập ngành eVTOL đang phát triển mạnh mẽ của Đức, đã phải chật vật để có thể tồn tại và phát triển trong thị trường đầy cạnh tranh với các “ông lớn” của Mỹ và Trung Quốc.
Tuần trước, một công ty do một liên danh các nhà đầu tư châu Âu và Bắc Mỹ thành lập đã nỗ lực cứu Lilium – công ty đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 10 năm nay. Lilium cũng đã phát triển các máy bay phản lực nhỏ chạy bằng điện có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng.