Đại biểu: Có trường hợp trẻ phạm tội bị tạm giam tới 1 năm mới được đưa vào trường giáo dưỡng

Đại biểu Nguyễn Công Long – Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 27-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, thảo luận về Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Bày tỏ băn khoăn với quy định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) thông tin mới nhận văn bản của Bộ Công an, cho thấy nhiều vấn đề cần xem xét kỹ. 

Lo tội phạm trẻ vị thành niên gia tăng, là công cụ phạm tội

Bởi trong phòng xét xử có những bị cáo là người chưa thành niên với những giọt nước mắt ăn năn hối lỗi, mặc cảm hoàn cảnh dẫn tới hành vi phạm tội, thì cần phải áp dụng chính sách nhân văn, nhân đạo.

Tuy nhiên cũng những gương mặt đó, cách đó chỉ ít ngày nhiều bị cáo hung hãn, tay cầm dao phóng lợn, đao kiếm có thể đâm chém bất cứ ai trên đường, cần phải xem xét chính sách thận trọng, kỹ lưỡng.

Đại biểu dẫn chứng, Điều 38 của dự thảo, so với Điều 91 của Luật Hình sự hiện hành về các trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đã có sự thay đổi. 

Tội phạm ở độ tuổi 14-16 tuổi có 14 nhóm tội danh không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng theo Bộ Luật Hình sự hiện hành, nhưng dự thảo luật này quy định chỉ còn 5 nhóm.

Trong đó đại biểu lo ngại các hành vi vi phạm của lứa tuổi này chủ yếu là xâm phạm tính mạng, sức khỏe, giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm. 

Đặc biệt là tội phạm ma túy (tập trung mua bán và vận chuyển, tàng trữ trái phép), nhưng chỉ còn tội sản xuất chất ma túy không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

“Nếu quy định như thế này thì phạm tội không bị đi tù, không bị xử phạt, những người chưa thành niên này sẽ trở thành công cụ phạm tội, tính phòng ngừa, răn đe sẽ giảm bớt. Hệ quả tác động là vấn đề cần thẩm tra kỹ” – đại biểu Long lo ngại và đề nghị cần cân nhắc việc loại trừ tội danh ở Điều 38 trong dự thảo. 

Đại biểu: Nhiều trường hợp trẻ phạm tội bị tạm giam tới 1 năm mới được đưa vào trường giáo dưỡng - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Ảnh: Quochoi.vn

Tuy vậy đại biểu tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy – phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – cho rằng nếu chỉ nghiên cứu điều 38 là chưa đầy đủ, mà cần xem xét thêm 4 điều luật liên quan đế các biện pháp xử lý chuyển hướng. Bao gồm nguyên tắc áp dụng, lựa chọn biện pháp và các trường hợp được áp dụng/không được áp dụng…

Xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em

Pháp luật hiện hành quy định 14-16 tuổi thì không được áp dụng xử lý chuyển hướng với 14 tội danh cụ thể. 

Vì vậy nếu tội phạm chưa thành niên vi phạm các tội này, sẽ buộc phải áp dụng hình phạt, hoặc đưa vào trường giáo dưỡng. Đây là điều không thay đổi trong dự thảo luật mới.

Trước những băn khoăn, lo ngại của đại biểu Long, bà Thủy giải thích rõ hơn: Với 5 tội danh (như giết người, sản xuất trái phép chất ma túy…) dứt khoát không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng mà phải áp dụng hình phạt.

Còn với 9 tội danh khác, cần hiểu biện pháp xử lý chuyển hướng là khi trẻ phạm các tội danh này vẫn phải áp dụng hình phạt hoặc chuyển hướng vào trường giáo dưỡng. Tức là dự thảo mới không thay đổi quy định hiện hành của Bộ Luật Hình sự, cũng không thay đổi chế tài xử lý, không phải cho các cháu phạm tội được ra cộng đồng. 

Tuy nhiên với quy định cũ, trẻ vị thành niên phạm tội sẽ phải đi hết giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, giam ở phiên tòa, sau đó kết thúc phiên tòa, có hình phạt mới được đưa vào trường giáo dưỡng. 

Vì vậy có nhiều trường hợp các trẻ phạm tội bị tạm giam tới 1 năm mới được đưa vào trường giáo dưỡng.

Còn với dự thảo mới, sẽ giúp các cháu có thể chỉ bị tạm giam trong 1 tháng. Bởi với các biện pháp này, trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng có đủ hồ sơ, điều kiện để đưa trẻ vào trường giáo dưỡng, thì sẽ chuyển các em vào trường giáo dưỡng của Bộ Công an.

Việc áp dụng biện pháp này theo đại biểu Thủy, là để hiện thực hóa Chỉ thị số 28 của Bộ Chính trị, phát triển hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em. 

Vì vậy Quốc hội đưa luật này vào chương trình xây dựng pháp luật là để thể chế hóa yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật thân thiện với trẻ em. 

Đại biểu Thủy dẫn chứng từ thực tế khảo sát tại các trường giáo dưỡng, cho thấy hoàn cảnh các cháu rất đáng thương. 

Như ở trường Đồng Nai, 64% các cháu là bố mẹ li hôn, li thân đang chấp hành án tù, ở Đà Nẵng tỉ lệ tương tự là 53% và ở Ninh Bình là 24%, cho thấy dù các cháu lầm lỡ nhưng rất đáng được Nhà nước quan tâm với sự nhân văn.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *