Phát biểu tại Diễn đàn Các quần đảo Thái Bình Dương ở thủ đô Nuku’alofa, Tonga hôm 27-8, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước trên thế giới hãy cứu lấy biển cả, trong bối cảnh mực nước biển dâng cao chưa từng có ở các đảo tại Thái Bình Dương.
Ông Guterres cũng kêu gọi thế giới tăng mạnh nguồn tài chính và hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương đang phải đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do khủng hoảng khí hậu.
“Một cuộc khủng hoảng sẽ sớm lan rộng đến mức con người gần như không thể tưởng tượng được, không một xuồng cứu sinh nào có thể đưa chúng ta quay trở về bến bờ an toàn”, Đài CNN dẫn lời ông Guterres hôm 27-8.
Song song với thời gian diễn ra Diễn đàn Các quần đảo Thái Bình Dương, Liên Hiệp Quốc cũng công bố hai bản báo cáo nêu chi tiết về việc khủng hoảng khí hậu đang đẩy nhanh những thay đổi thảm khốc ở đại dương.
Theo báo cáo về tình hình khí hậu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiệt độ đo được ở mặt biển tại vùng tây nam Thái Bình Dương đã tăng lên nhanh gấp ba lần so với mức trung bình toàn cầu từ năm 1980.
Bản báo cáo này cho biết giới chuyên gia cũng phát hiện mực nước biển trong khu vực đã dâng cao gần gấp đôi so với mức trung bình trong 30 năm qua.
Các nhà nghiên cứu cho biết đại dương đã hấp thu 90% lượng nhiệt toàn cầu từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người.
Ngoài ra đại dương nóng lên gây ra hiện tượng băng tan, từ đó khiến mực nước biển tăng theo.
Trong đó quần đảo Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng nặng nề hơn hầu hết các nơi khác, phải gánh chịu “ba đòn giáng” gồm hiện tượng nóng lên của đại dương, mực nước biển dâng cao và axit hóa, gây hại cho hệ sinh thái, phá hoại mùa màng, làm ô nhiễm nguồn nước ngọt và hủy hoại sinh kế của người dân địa phương.
Các nhà lãnh đạo về khí hậu cho biết mặc dù các đảo Thái Bình Dương phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng do mực nước biển dâng cao nhưng đây vẫn là vấn đề toàn cầu.
Vấn đề này gây ra rủi ro lớn đối với sự an toàn, an ninh và tính bền vững của nhiều đảo thấp, các thành phố ven biển, các đồng bằng nông nghiệp nhiệt đới rộng lớn và các cộng đồng người dân ở Bắc Cực.