Chưa đầy một tháng sau màn tranh luận bị đánh giá thất bại trước đối thủ Donald Trump bên Đảng Cộng hòa, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ quyết định ngừng tham gia tranh cử.
Trong thông báo rạng sáng 22-7 theo giờ Việt Nam, ông Biden tuyên bố đây là động thái mang lại lợi ích tốt nhất cho Đảng Dân chủ và cho nước Mỹ, đồng thời đề xuất Phó tổng thống Kamala Harris là người thay thế.
Rắc rối “tập 2” của Đảng Dân chủ
Quyết định ngừng tranh cử tổng thống Mỹ 2024 của ông Biden khép lại một giai đoạn đầy biến động cho chiến dịch của ông và Đảng Dân chủ. Màn tranh luận thất bại của ông trước ông Trump đã đặt ra những dấu hỏi về tình hình sức khỏe và khả năng tái đắc cử của đương kim tổng thống Mỹ.
Chuyện trở nên cấp bách hơn sau khi đối thủ Trump của ông tiếp tục củng cố hình ảnh từ vụ bị ám sát bất thành ở Pennsylvania ngày 13-7. Và thực tế, ông Biden đã miễn cưỡng rời đường đua vào Nhà Trắng sau khi cân nhắc sức ép từ chính nội bộ đảng của mình.
Về lý thuyết, đảng viên và nhà tài trợ Đảng Dân chủ hy vọng ứng viên mới sẽ giúp họ thắng được ông Trump hoặc ít nhất tránh thua thêm ở một số bang. Nhưng xét thực tế, lần “thay người” này cũng đưa phe Dân chủ vào giai đoạn rắc rối tiếp theo.
Thứ nhất, họ chỉ còn một tháng để chuẩn bị trước đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ (19 tới 22-8) ở Chicago, nơi gọi tên ứng viên đề cử chính thức. Việc ông Biden ngưng tranh cử không đồng nghĩa Phó tổng thống Harris là người thay thế hiển nhiên và một quá trình bầu chọn sẽ phải được thực hiện gấp rút. Và nếu được đề cử, bà Harris chỉ có vài tuần để chọn người tranh cử đồng hành – một quá trình vốn thường mất tới vài tháng để xem xét cẩn thận.
Thứ hai, Đảng Dân chủ cần giải quyết câu hỏi quan trọng nhất: bà Harris có là lựa chọn “tốt” hay chỉ “tốt nhất trong số những gì đang có”?
Cho tới nay, báo chí dự đoán bà Harris sẽ không gặp nhiều cản trở. Nhưng thậm chí một số tờ báo ủng hộ Đảng Dân chủ cũng thừa nhận bà Harris thiếu kinh nghiệm để đương đầu với thách thức chưa từng có trong đời. Từ vị thế phụ giúp ông Biden, giờ bà có khả năng phải tiên phong trong chiến dịch tranh cử của riêng mình. Hồ sơ của bà trong bốn năm làm phó tổng thống lại không mấy ấn tượng.
Ông Biden đã làm đúng theo nguyện vọng của nhiều quan chức Đảng Dân chủ, chuyển “ngọn đuốc” cho người khác. Tuy vậy, Washington Post mô tả sự rời đi của ông Biden đẩy đảng này vào tình thế không chắc chắn.
Vừa qua, việc cựu tổng thống Barack Obama và cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi không nhắc tới bà Harris trong các phát biểu của họ bị báo chí Mỹ xem là động thái “không tán thành”.
Mặt trận cuối cùng
Với việc Tổng thống Biden rời cuộc đua, bầu cử Mỹ 2024 đang bước vào giai đoạn cuối với mặt trận quan trọng: Đảng Dân chủ sẽ tìm cách “chuyển ngọn đuốc” sao cho thật êm xuôi, trong khi phe Cộng hòa muốn đối thủ phải trầy trật.
Trong chính trị, sự tôn trọng cử tri cảm nhận được trên lá phiếu của họ là điều quan trọng nhất. Điều này lý giải tại sao các nước hầu hết không thể bỏ phiếu hai lần về cùng một vấn đề, ví dụ nước Anh từng không thể tổ chức trưng cầu ý dân lần thứ hai về quyết định tách khỏi Liên minh châu Âu (EU) bất chấp đây là điều từng được dư luận đề cập rất nghiêm túc.
Khi ông Biden bỏ cuộc giữa sức ép từ chính nội bộ, Đảng Cộng hòa đang khai thác tâm lý ấy để cáo buộc phe Dân chủ hành động phi dân chủ, không tôn trọng kết quả bầu cử sơ bộ trước đây, tức không tôn trọng những lá phiếu đã ủng hộ ông Biden.
Lãnh đạo phe thiểu số Đảng Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell cáo buộc Đảng Dân chủ dành vài tuần qua (từ sau màn tranh luận Biden – Trump) để “cố gắng đảo ngược ý chí đã được thể hiện của người dân Mỹ tại các cuộc bầu cử sơ bộ trên khắp đất nước”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Johnson cáo buộc phe Dân chủ “vô hiệu hóa phiếu bầu của hàng triệu người Mỹ bằng cách buộc ứng viên của họ, Joe Biden, rời khỏi thùng phiếu”.
Tương tự, lãnh đạo đa số của Đảng Cộng hòa ở Hạ viện Steve Scalise mỉa mai: “Sau khi dạy dỗ người khác về dân chủ, họ vừa buộc Joe Biden bỏ vị trí đề cử, vứt đi sự lựa chọn từ chính 14 triệu cử tri của họ”.
Bản thân Đảng Dân chủ đang tìm cách phòng vệ trong thế lưỡng nan. Một mặt, họ phải làm mọi cách để nâng cao vị thế của bà Harris. Một mặt, họ phải đảm bảo đây là quá trình bầu chọn hợp lẽ, công bằng, không gây ra trình trạng hỗn loạn và tranh cãi. Về mặt này, có vẻ cựu tổng thống Obama là người tỉnh táo nhất.
Tờ New York Times lý giải việc ông Obama không tán thành bà Harris ngay lập tức, cho rằng sự thận trọng của ông Obama trong chính trị cũng như mối quan hệ cá nhân với ông Biden là một phần nguyên nhân.
Ngoài ra, nhiều khả năng ông Obama không muốn biến màn bầu bán sắp tới là một “lễ đăng quang”, làm cho có lệ thay vì đại diện cho sự thống nhất của Đảng Dân chủ. Vào năm 2020, ông Obama từng hành động tương tự khi chịu sức ép về việc phải công bố sự tán thành trước lúc Thượng nghị sĩ Bernie Sanders bỏ cuộc.
Trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử
Cũng vào một tối chủ nhật tháng 3-1968, tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson công bố thông tin gây sốc về việc không tiếp tục tranh cử. Lý do ông đưa ra cũng hệt như ông Biden hiện nay: muốn dành toàn bộ năng lượng của mình để đảm đương nhiệm vụ trong phần còn lại của nhiệm kỳ.
Tương tự ông Biden, quyết định của ông Johnson hơn 50 năm trước cũng được đưa ra khi tỉ lệ ủng hộ ông xuống thấp. Tờ Washington Post lưu ý đó là giai đoạn chính quyền ông Johnson bị biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam.
Kinh ngạc hơn, nếu ông Trump vừa bị ám sát bất thành, năm 1968 cũng là năm đầy bạo lực với các vụ ám sát nhắm vào Martin Luther King Jr. và thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy.
Nếu lịch sử là một lời cảnh báo, có vẻ Đảng Dân chủ không muốn thấy điều gì tái diễn. Tại Chicago tháng 8-1968, họ chọn phó tổng thống Hubert H. Humphrey làm ứng viên đề cử thay ông Johnson. Hội nghị toàn quốc năm ấy đầy bạo lực và bất hòa. Kết thúc cuộc bầu cử tháng 11, ông Humphrey đã thua Richard Nixon của Đảng Cộng hòa.
Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi chuyên trang bầu cử tổng thống Mỹ 2024 của Tuổi Trẻ Online tại đây.