Tranh thủ về nhà cuối tuần, trong căn nhà cấp 4 được ông bà để lại, mái ngói võng xuống, Trần Thị Dung, thôn Vàng, xã Tiên Lục (Lạng Giang, Bắc Giang), giúp mẹ vo gạo, chiên trứng cho bữa cơm tối. Gạo, rau ngoài đồng, trứng từ con gà mái trong vườn.
Xin đứa con để nương tựa về già
Chờ cơm chín, Dung mang bó cỏ tươi cho bò ăn. Đây là con bò được xã xét duyệt hỗ trợ để ba bà cháu có kinh tế thoát nghèo, mới nuôi được một năm. Vừa nhặt rau, chị Trần Thị Thức (52 tuổi), vừa kể không khỏi xúc động hôm con báo tin đỗ khoa Hóa dược, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) với số điểm lần lượt 8,4 Toán; 9,25 Lý và 10 Hóa.
Khi ấy, chị mừng như mở cờ trong bụng. Nhưng người mẹ này lo lắng khi không biết lấy đâu ra học phí, ăn uống, thuê trọ trên thủ đô.
Cũng may, khi chờ nhập học, Dung theo người quen đến khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) làm công nhân điện tử, cả tăng ca được hơn 6 triệu đồng.
Lúc ấy, cô chỉ nghĩ làm thêm kiếm tiền nhập học nhưng giờ nghĩ lại, nếu không đi học, giờ có thể cô cùng nhiều người trong thôn sẽ đứng sản xuất trong nhà máy, ngày này qua ngày khác, không biết bóng mặt trời. Ước mong tìm ra loại thuốc đặc hiệu, chữa tim cho mẹ chỉ là ước vọng xa vời.
Hỏi hồi lâu mới biết, Dung lớn lên không biết mặt cha, cô ra đời khi mẹ đã quá lứa lỡ thì, mong có mụn con để vui cửa vui nhà, nương tựa khi già yếu.
“Năm ấy, tôi đã hơn 34 tuổi, thấy chị em cùng trang lứa có gia đình, có con nên cũng muốn có cháu, muốn được làm mẹ…”, chị Thức bộc bạch.
Mắc bệnh tim, viêm phế quản, từ bé, người mẹ này đã ốm yếu, nước da xanh xao, chỉ phụ mọi người dọn nhà, nấu cơm.
Mấy năm gần đây, hai cậu mợ tích góp được chút tiền, phá căn nhà gỗ, dựng lại căn nhà mới, thế là tối đến, bà ngoại, chị Thức và Dung có chỗ ngủ kiên cố hơn, không còn cảnh chạy mưa mỗi khi giông tố kéo đến.
Gieo niềm tin: nếu con học tốt, sẽ có người hỗ trợ
Để nuôi Dung, chị Thức chỉ trông chờ vào số tiền vài trăm nghìn mỗi tháng trợ cấp của nhà nước. Tiền mua thứ này thứ kia cho con, trông vào bà ngoại năm nay ngoài 70 tuổi. May mắn, bà ngoại có sức khỏe, bám vào hai sào lúa, vườn rau tăng gia.
Chị thổ lộ đã có lần xin làm công ty may nhưng công ty không nhận vì sức khỏe yếu. Không bỏ cuộc, chị lên chợ, tìm đến nơi làm vàng mã để xin đi làm, kiếm vài chục bạc nuôi con, nhưng chủ hàng không nhận, nói người khỏe mạnh làm từ sáng tới tối còn không chịu được nữa là người già yếu như chị.
“Mọi người khuyên vì sức khỏe yếu, ở nhà cơm nước cho người khoẻ mạnh đi làm. Làm mẹ, tôi chỉ biết động viên, ủng hộ cháu học tốt để có thành tích, kết quả. Nhà nước và các nhà hảo tâm sẽ không bỏ quên ai, sẽ luôn có người quan tâm, giúp đỡ.
Tôi xem tivi, thấy nhiều bạn học giỏi, nhà rất khó khăn được trao học bổng. Tôi tin nếu con cố gắng, nỗ lực học tốt, sẽ được chương trình Tiếp sức đến trường hỗ trợ”, chị Thức bộc bạch.
Lên đại học, Dung được chọn vào lớp tài năng hoá học, cơ hội để cô học trò quê Bắc Giang dần hiện thực hóa ước mơ làm nhà nghiên cứu để tìm ra phương thuốc chữa bệnh cho mẹ…
‘Quay xe’ với ngành y để nghiên cứu thuốc chữa tim cho mẹ
Thầy Nguyễn Ngọc Tuyến, giáo viên chủ nhiệm của Trần Thị Dung, Trường THPT Lạng Giang số 3 (Bắc Giang), cho hay biết hoàn cảnh của em, trường miễn học phí chính khóa và học thêm. Không phụ lòng thầy cô, lớp 12, Dung đạt giải nhì môn hóa tỉnh Bắc Giang.
Khi Dung học THPT, biết hoàn cảnh của cô, một thầy giáo giới thiệu cho công việc làm thêm ở căng tin trường cấp 3 mỗi sáng. Nhiệm vụ là giúp chủ mở quán, bê đồ ăn cho đến gần giờ vào lớp. Sáng sáng, Dung dậy từ 5h để lướt lại bài cũ, đọc trước bài mới và lên căng tin chuẩn bị ngày mới.
Theo thầy Tuyến, cứ có thời gian, thầy lại ngồi giảng giải thêm kiến thức mới, cách làm bài hay và kể các câu chuyện ý nghĩa, vươn lên trong cuộc sống để Dung duy trì đam mê với hoá học.
“Dung luôn tràn đầy sức sống, nhiệt huyết, chịu khó, trách nhiệm, có định hướng tương lai rõ ràng, kể cả ngày hè, em cũng không bỏ bê học hành. Em tâm sự thích học y nhưng sau đó chọn học dược, để nghiên cứu thuốc chữa bệnh tim cho mẹ”, thầy Tuyến bày tỏ.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phầntập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, Phú Yên; Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi LifeViệt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacamcòn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.