Ngày 3-10, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức diễn đàn “Chuyển đổi số – bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Khánh Hòa” với sự tham gia của nhiều chuyên gia.
Hướng đến chuyển đổi số toàn diện
Tại diễn đàn, ông Phạm Quốc Hoàn – giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Khánh Hòa – cho biết hiện nay tại Khánh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số.
Có thể kể đến hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dữ liệu, thông tin dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, còn sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh thông qua nền tảng trao đổi định danh điện tử của Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh đã kết nối, tích hợp với 11 hệ thống thông tin của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương như: Cổng dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, hệ thống quản lý hộ tịch điện tử, hệ thống dịch vụ công vận tải đường bộ…
Cũng theo ông Hoàn, chuyển đổi số trong tương lai bao gồm 6 trụ cột chính là quản trị thông minh, kinh tế thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh, công dân thông minh và đời sống thông minh.
“Sắp đến, tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung các nội dung hạ tầng, dữ liệu, an toàn bảo mật, chuyển đổi số cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế số, xã hội số, qua đó cũng sẽ đề xuất các phương án, giải pháp, chính sách phối hợp công tác giữa cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và tỉnh Khánh Hòa để hiện thực các nội dung, mục tiêu về chuyển đối số” – ông Hoàn nói.
Giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp
Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đã đề xuất, giới thiệu các giải pháp, chính sách để cộng đồng các doanh nghiệp ở Khánh Hòa chuyển đổi số.
Theo ông Lê Trí Hải – phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam – các hoạt động chuyển đổi số có thể bao gồm từ việc số hóa dữ liệu, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.
“Vì vậy, để hoàn thiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức chuyển đổi số, xây dựng kênh cung cấp thông tin chuyển đổi số trên website, xây dựng cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp” – ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần thực hiện quy hoạch dữ liệu, xây dựng kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin và xác định điểm cần quan tâm của doanh nghiệp trong chuyển đổi số.
Phát triển hạ tầng viễn thông và internet
Ông Vũ Ngọc Dương – phó trưởng Phòng phát triển hạ tầng, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) – cho rằng trong chuyển đổi số, việc phát triển các hạ tầng số, trong đó có phát triển hạ tầng viễn thông và internet cần được quan tâm.
Theo đó, giải pháp trước tiên là thương mại hóa, phát triển mạng 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp.
Trong đó giải pháp để đảm bảo việc phủ sóng 5G là tổ chức đấu giá tần số, cấp phép triển khai 5G, công bố quy chuẩn chất lượng dịch vụ internet 5G, bên cạnh đó là hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai hạ tầng 5G.