Gói vay nhà ở xã hội sẽ giảm lãi suất
Riêng 6 tháng đầu năm 2024 có 8 dự án đã hoàn thành với 3.136 căn; 5 dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng, với 8.468 căn; 9 dự án đã có chủ trương đầu tư, với 8.795 căn.
Do đó, với mục tiêu hoàn thành trong năm nay là 130.000 căn hộ, ông Dũng cho hay còn khoảng 100.000 căn hộ phải hoàn thành. Việc hoàn thành mục tiêu đều phụ thuộc vào các dự án đã khởi công, cũng như sự vào cuộc các cấp ngành địa phương.
Đối với việc triển khai gói nhà ở xã hội, ông Dũng cho hay đến nay mới có 34/63 tỉnh có văn bản, công bố 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, với số tiền giải ngân là 1.344 tỉ đồng.
Với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, hiện có 34/64 tỉnh công bố có đủ điều kiện 78 dự án, giải ngân 1.344 tỉ đồng.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Theo đó, đã cắt giảm điều kiện được vay vốn của chủ đầu tư (cắt giảm điều kiện đã được cấp phép xây dựng, chỉ còn điều kiện dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đã lựa chọn chủ đầu tư và đã được giao đất).
Chính phủ đã có quyết nghị triển khai chương trình này, nêu rõ mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội sẽ thấp hơn khoảng từ 1,5 – 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ.
Theo ông Dũng, hiện Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo tờ trình, nghị quyết điều chỉnh nội dung chương trình 120.000 tỉ đồng theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3 – 5%, đối với khách hàng là chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5 – 2%, Bộ Xây dựng cũng đã thống nhất với đề xuất trên.
“Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 5-8, Thủ tướng đã đồng thuận với ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và điều chỉnh nội dung chương trình gói tín dụng này” – ông Dũng thông tin.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất
Thông tin về tình hình phục hồi ngành công nghiệp, bà Phan Thị Thắng – thứ trưởng Bộ Công Thương – cho hay có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.
Chỉ số quan trọng như PMI (chỉ số được sử dụng để đo lường hoạt động trong ngành sản xuất và dịch vụ của một nền kinh tế) ngành sản xuất tăng mạnh, chỉ số công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng, có 60/63 địa phương tăng trưởng cao.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao, kéo giảm chỉ số tồn kho các ngành…
“Từ các chỉ số này cho thấy ngành sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ so với năm 2023 và đà tăng trưởng phục hồi tích cực, đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Nhiều địa phương đóng vai trò cơ bản trong sản xuất, tiếp cận được thị trường trong nước, niềm tin của doanh nghiệp sản xuất được củng cố tích cực…” – bà Thắng đánh giá.
Nguyên nhân đạt được kết quả trên, theo bà Thắng là nhờ chính sách hỗ trợ tích cực của doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công, thu hút FDI. Chính phủ và địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn nên nhiều ngành tăng trưởng tích cực.
Cùng đó là công tác đối ngoại về kinh tế, quan hệ với đối tác thương mại lớn như Mỹ và Trung Quốc đã giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp. Năng lực của doanh nghiệp cũng tăng lên, tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước gấp 2 lần doanh nghiệp FDI.
Tuy vậy, các thách thức đặt ra trong thời gian tới đó là nội lực sản xuất trong nước còn yếu. Nhiều điểm nghẽn lớn chưa được cải thiện hiệu quả, như phụ thuộc sản xuất FDI, giá trị gia tăng còn thấp, chưa có sản phẩm có hàm lượng nội địa công nghệ cao.
Một số ngành sản xuất chủ lực giảm như điện thoại thông minh, ô tô, ti vi; các ngành như giày dép, gỗ, dù phục hồi tích cực nhưng chưa về mức đỉnh…
Tình hình diễn biến khu vực và thế giới diễn biến phức tạp khó lường, bà Thắng cho hay các giải pháp như chủ động triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, các ngành chủ lực như dệt may, da giày, ô tô, thúc đẩy các ngành là động lực tăng trưởng mới.
Xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp nền tảng, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình làm với địa phương và doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ dự án đầu tư công, tăng cường sử dụng hàng trong nước, tìm kiếm thị trường mới…