Đề xuất phạt nặng tài xế vừa lái xe vừa dùng điện thoại

Với tài xế ô tô sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi đang lái xe được đề xuất phạt nặng – Ảnh: T.T.D.

Trong dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung loạt hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt.

Bộ Công an đề xuất phạt 800.000 đồng đến 1 triệu đồng với tài xế chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên ô tô (trừ loại ô tô chỉ có một hàng ghế) ngồi cùng hàng ghế với người lái xe hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định. Quy định này sẽ áp dụng từ 1-1-2026, lùi một năm so với quy định chung.

Dự kiến nhiều mức phạt tài xế

Dự thảo cũng đề xuất phạt 100.000 – 200.000 đồng với hành vi tài xế xe máy bấm còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Mức phạt này với tài xế ô tô là 300.000 – 400.000 đồng.

Đề xuất phạt 4 – 6 triệu đồng đối với cá nhân, 8 – 12 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đề xuất phạt 800.000 đồng đến 1 triệu đồng với tài xế ô tô lùi xe không quan sát hai bên và phía sau xe hoặc không có tín hiệu lùi xe. Mức phạt này với tài xế xe máy chuyên dùng là 300.000 – 400.000 đồng.

Đề xuất phạt 2 – 3 triệu đồng với tài xế ô tô dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi đang lái xe. Mức phạt này với tài xế xe máy là 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Với người đi xe đạp, xe đạp máy mức phạt đề xuất 80.000 – 100.000 đồng.

Cùng với đó đề xuất phạt 1 – 2 triệu đồng với người lái xe máy có dung tích xi lanh dưới 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11kW… dùng bằng lái xe đã bị trừ hết điểm. Phạt 4 – 5 triệu đồng đối với người lái xe máy có dung tích xi lanh từ 125cm3 trở lên hoặc có công suất động cơ điện trên 11kW, xe ba bánh dùng bằng lái xe đã bị trừ hết điểm. Mức đề xuất ở lỗi này đối với tài xế ô tô là 10 – 12 triệu đồng.

Dự thảo cũng đề xuất phạt 300.000 – 400.000 đồng với tài xế ô tô, xe máy chuyên dùng khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không báo hiệu bằng đèn khẩn cấp hoặc đặt biển cảnh báo theo quy định.

Quy định bảo vệ an toàn cho trẻ em trên ô tô rất cần thiết

Liên quan quy định xử phạt về chỗ ngồi cho trẻ em trên ô tô, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Hữu Minh – chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia – cho biết số lượng ô tô ở Việt Nam tiếp tục tăng rất nhanh bởi tỉ lệ sở hữu ô tô trên 1.000 dân của chúng ta còn thấp, chỉ bằng khoảng 1/10 so với một số nước trong khu vực.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều trẻ em di chuyển trên ô tô, rủi ro do va chạm dẫn đến chấn thương vì thế cũng tăng lên. Do vậy việc quy định chỗ ngồi hoặc thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô rất cần thiết.

Ông Dương Kim Tuấn – Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng – cũng nêu rõ trẻ em khi ngồi ở ghế trước sẽ có nguy cơ chịu nhiều tác động nguy hiểm. Như chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm, dễ văng ra ngoài xe, chịu sự va đập của túi khí, gây mất tập trung cho người lái xe và hiện nay chưa có hệ thống lắp thiết bị an toàn cho trẻ em ở ghế trước. Do vậy việc quy định cho trẻ em ngồi ghế sau hoặc gắn thiết bị an toàn là cần thiết.

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay tỉ lệ sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ ở nước ta chỉ đạt 1,3%, trong đó tại Hà Nội đạt khoảng 2,6%, TP.HCM là 1,1% và Đà Nẵng là 0%. “Hầu hết những người dùng do đã quen khi sử dụng ở nước ngoài”, ông Tuấn nói.

TS Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng vị trí ghế trước thường phải chịu nhiều lực tác động hơn khi va chạm giao thông xảy ra. Hơn nữa, khi có va chạm túi khí sẽ được kích hoạt, đối với người lớn túi khí sẽ có tác dụng giảm chấn, bảo vệ rất tốt.

Còn với trẻ nhỏ, túi khí đôi khi lại có tác dụng ngược, gây nguy hiểm như chính vụ tai nạn. Ông chỉ rõ các cháu ngồi phía trước khi ô tô phanh các cháu dễ bị văng ra ngoài. Thậm chí kính phía trước bị vỡ, dồn mạnh quá, xe đâm vào cây hay bức tường, người sẽ văng lên và khi đó lọt qua phía trước ra ngoài rất nguy hiểm.

“Thông thường người ngồi ghế đầu sang chấn khi va chạm lớn hơn người phía sau. Chính vì thế người ta yêu cầu không cho trẻ em ngồi phía trước”, ông Tạo phân tích.

Liên quan đề xuất xử phạt tới 12 triệu đồng với tài xế ô tô dùng bằng lái bị trừ hết điểm và 1 – 5 triệu đồng với tài xế xe máy vi phạm lỗi này, đại biểu Phạm Văn Hòa – ủy viên Ủy ban Pháp luật – bày tỏ đồng tình.

Ông nói tài xế bị trừ hết điểm bằng lái xe tương đương với người không có bằng lái xe. Trong dự thảo nghị định cũng đề xuất mức phạt này tương đương với mức phạt không có bằng lái hoặc bằng lái bị tẩy xóa, không có hiệu lực với loại xe đang lái.

“Mức đề xuất xử phạt của Bộ Công an như vậy là phù hợp. Bởi bằng bị trừ hết điểm giống như tài xế không có bằng vẫn điều khiển xe. Việc này sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, có thể gây tai nạn, ảnh hưởng những người tham gia giao thông khác.

Do vậy, ngoài phạt nặng cũng cần có thêm chế tài xử lý bổ sung với hành vi cố tình và yêu cầu những người này phải kiểm tra lại lý thuyết, thực hành chặt chẽ, nghiêm túc mới phục hồi lại điểm”, ông Hòa nêu quan điểm.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *