Công điện nêu rõ, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông vẫn đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền các tỉnh miền Trung nước ta.
Hồi 22h đêm nay (18-9), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 320km về phía đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ 0h – 18h ngày 18-9, các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 70 – 250mm, có nơi trên 250mm.
Sáng 19-9 có thể mạnh lên thành bão, giật cấp 10
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong đêm 18-9. Từ sáng sớm 19-9, bão có thể gây gió mạnh, sóng lớn ven biển và đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam với sức gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10 (89 – 102km/h).
Bão gây mưa lớn tại khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Định trước, trong và sau bão. Diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ còn rất phức tạp, dự báo có thể thay đổi cả về cấp độ gió, tốc độ di chuyển, hướng di chuyển, phạm vi ảnh hưởng và lượng mưa.
Cùng với công điện ngày 17-9, Thủ tướng cho rằng cần chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, nhất là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt đô thị và vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi, sườn dốc để đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình, cập nhật liên tục thông tin diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ.
Chỉ đạo hiệu quả công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, quán triệt phương châm “bốn tại chỗ”, chủ động xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Bao gồm việc kêu gọi tàu thuyền không đi vào, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện tại nơi neo đậu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu du lịch, dịch vụ ven biển.
Triển khai phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, sản xuất kinh doanh, đê điều, hồ đập, công trình xây dựng, hoàn thành việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị, nhà cửa, trụ sở…
Chủ động mọi phương án ứng phó
Vận hành, điều tiết các hồ đập thủy điện, thủy lợi khoa học, phù hợp thực tiễn, đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra tình trạng lũ chồng lũ.
Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn.
Chủ động khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh; kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7, theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với tàu thuyền vận tải; đảm bảo an toàn hoạt động giao thông, triển khai các biện pháp phòng, chống bão, lũ, các dự án quan trọng quốc gia, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đang thi công.
Các bộ ngành liên quan vận hành an toàn, hợp lý, khoa học các hồ đập thủy điện, thủy lợi; lực lượng cứu hộ, cứu nạn ứng trực thường xuyên, sẵn sàng cứu dân, tài sản và các yêu cầu khẩn cấp khác.