Tại cuộc họp về dự thảo nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) mái nhà tự sản, tự tiêu vào ngày 26-7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu các phương án nhằm nâng tỉ lệ mua điện dư phát lên lưới là 20% công suất ĐMT áp mái lắp đặt ở miền Bắc. Miền Trung, Nam có thể giữ ở mức 10% như đề xuất ban đầu.
Mua theo giá chào bán thấp nhất?
Như vậy yêu cầu trên được Phó thủ tướng đưa ra khác với đề xuất trước đó của Bộ Công Thương, đó là ĐMT tự sản, tự tiêu được thanh toán 10% sản lượng điện trên tổng sản lượng điện dư phát lên lưới điện quốc gia. Trước đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất mức giá mua bán điện là 671 đồng/kWh.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, với giá mua ĐMT mái nhà, Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu theo hướng áp dụng cơ chế bù trừ hoặc theo giá chào bán thấp nhất trên thị trường điện cạnh tranh tại thời điểm mua.
Đồng thời cần tham chiếu các quy chuẩn về an toàn công trình, phòng cháy chữa cháy… theo hướng đơn giản hóa trình tự thủ tục, hồ sơ với chính sách rõ ràng.
Trước đó Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cũng từng khuyến cáo rằng việc hạn chế không phát điện lên lưới sẽ làm thị trường ĐMT mái nhà phát triển chậm hơn và tăng rủi ro thiếu nhiều điện hơn trong tương lai.
Đặc biệt sẽ có tình trạng lắp đặt các hệ thống ĐMT có quy mô rất nhỏ: không tận dụng được hết diện tích mái, gây lãng phí và cản trở việc khai thác tiềm năng của ngành này.
Theo GIZ, việc lắp đặt ĐMT mái nhà cần đảm bảo quy mô công suất phù hợp để tránh sản lượng dư thừa và xây dựng phương thức bán một phần lên lưới đảm bảo hiệu quả cho các bên.
Có thể giới hạn về tổng lượng công suất ĐMT ở mức 30-40% trong tổng sản lượng của hệ thống trên cơ sở sử dụng công tơ riêng.
Cũng theo GIZ, có thể quy định các hạn mức phát điện lên lưới dựa trên sản lượng điện năng (kW). “Các hạn mức phát điện lên lưới này cần linh hoạt, có thể điều chỉnh được dựa trên vận hành hệ thống điện theo thời gian thực và nhu cầu điện”, đại diện cơ quan này đề xuất.
Tỉ lệ ghi nhận phải phù hợp với quy hoạch?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Nam – một nhà đầu tư ĐMT mái nhà đang chờ đợi chính sách này – cho rằng nên tăng tỉ lệ phát điện lên 30% và có điều chỉnh mức giá cho phù hợp, bởi không ai đầu tư chỉ để bán 10-20% công suất.
Cũng theo ông Nam, mức giá mua điện là 617 đồng/kWh như đề xuất của Bộ Công Thương là quá thấp, chỉ bằng 1/3 so với giá FIT 1 và 2 trước đây, trong khi chi phí đầu tư cho 1 kWp ĐMT áp mái nhà dao động từ 9-11 triệu đồng.
“Với hộ dân sử dụng điện sinh hoạt chủ yếu vào thời gian cao điểm tối do ban ngày đi làm, gần như sẽ không có nhu cầu lắp đặt. Trong khi với những người có nhu cầu sử dụng điện nhiều hơn, hoặc muốn lắp đặt để mua bán điện, sẽ mong muốn có giá cao hơn để bù đắp chi phí đã bỏ ra khi lắp đặt hệ thống này”, ông Nam nói.
Trả lời chúng tôi, một lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay cơ quan này sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án sau chỉ đạo của Phó thủ tướng. Tuy nhiên, việc phát triển ĐMT mái nhà cần phải phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện 8).
Nguồn điện có nối lưới chỉ được phê duyệt phát triển là 2.600 MW. Trong khi quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng ĐMT mái nhà với định hướng phát triển không giới hạn công suất.
Do đó theo vị này, việc ghi nhận sản lượng lên lưới ở mức bao nhiêu phần trăm công suất cần được tính toán, đánh giá kỹ lưỡng để phù hợp với quy hoạch. Việc phân loại tỉ lệ phần trăm công suất theo vùng miền cũng sẽ được đánh giá kỹ lưỡng, tránh sự phân biệt và đảm bảo lợi ích người dân, doanh nghiệp khi tham gia.
“Mục tiêu là xây dựng dự thảo nghị định ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu trên tinh thần bảo đảm tính khuyến khích, đơn giản trong thực hiện, tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo không xảy ra tiêu cực và lãng phí nguồn lực xã hội”, vị này nhấn mạnh.
Theo khuyến cáo của Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Bộ Công Thương cần xây dựng một khung giá mua điện thặng dư.
Định khung giá mua điện thặng dư cho các khách hàng công nghiệp và thương mại ở mức khoảng 600 – 1.000 đồng/kWh và đối với khách hàng hộ gia đình (lắp đặt quy mô hệ thống điện mặt trời mái nhà