Dự thảo thông tư này dự kiến thay thế thông tư số 26/2017 của bộ trưởng Bộ Công an quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.
Đáng chú ý, ngoài các trang thiết bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ như hiện hành đã bổ sung thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ.
Các nước ứng dụng từ lâu
Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT – Bộ Công an), với trình độ khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông là rất cần thiết. Nhất là việc kết nối với các trung tâm điều hành, giám sát giao thông và các thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông và vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông…
Dĩ nhiên, dự thảo nêu rõ các thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông được sử dụng phải đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về nghiệp vụ của CSGT, cũng như các yêu cầu về an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, an toàn cho người tham gia giao thông.
Các thiết bị thông minh này có thể nhận và truyền tải thông tin cần được kết nối với trung tâm chỉ huy giao thông. Chẳng hạn khi tiếp nhận các thông tin, dữ liệu về tình hình giao thông trên các tuyến giao thông như ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, sự cố giao thông, lưu lượng, mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, mất trật tự an toàn giao thông… lực lượng CSGT sẽ chỉ đạo kịp thời việc điều chỉnh hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu. Hoặc triển khai phương án bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông, xử lý, khắc phục kịp thời.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nêu rõ trong kỷ nguyên công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc xây dựng hệ thống điều khiển giao thông thông minh và trang bị các trang thiết bị hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông là xu hướng tất yếu.
Theo ông, ở nhiều nước, việc này đã được thực hiện từ lâu, mang lại hiệu quả cao, giúp đảm bảo tốt trật tự, an toàn giao thông. Với thực tế tình hình giao thông ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn, việc bổ sung, trang bị các trang thiết bị thông minh, hiện đại để hỗ trợ CSGT chỉ huy, điều khiển giao thông “sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó”.
Vị chuyên gia này còn chỉ rõ khi trang bị các thiết bị thông tin sẽ giúp tiết kiệm được nguồn nhân lực, thời gian, chi phí. Từ đó công tác quản lý, chỉ huy, điều hành giao thông chính xác, hiệu quả, nhanh nhạy, khách quan, hạn chế tiêu cực…
Ông dẫn ví dụ thời gian qua với việc CSGT sử dụng hệ thống camera giám sát trên một số tuyến đường cao tốc như Hà Nội – Hải Phòng, Nội Bài – Lào Cai, Pháp Vân – Cầu Giẽ… đã giúp phát hiện sớm các hành vi vi phạm của chủ phương tiện. Đặc biệt còn giúp phát hiện sớm các sự cố, tình hình ùn tắc trên đường, từ đó điều tiết giao thông từ xa.
“Đây là xu thế tất yếu mà chúng ta cần thực hiện sớm. Tuy nhiên cũng cần lưu ý về khả năng kinh tế, trình độ tiếp thu của các lực lượng liên quan để triển khai đạt hiệu quả cao nhất khi tiến hành đầu tư các trang thiết bị thông minh, hiện đại”, TS Tạo nói.
Nhiều công nghệ phát huy hiệu quả
Trước đó, việc sử dụng flycam để điều hành, xử lý giao thông đã được Cục CSGT và CSGT địa phương thực hiện mang lại hiệu quả tốt.
Cụ thể, Cục CSGT đã phối hợp với CSGT Hà Nội sử dụng thiết bị flycam để quét toàn bộ tình hình giao thông ở các cửa ngõ, quốc lộ, vành đai trong một số dịp nghỉ lễ. Qua màn hình flycam, các đơn vị phối hợp sẽ kịp thời điều hướng được các luồng phương tiện từ xa, tránh xảy ra ùn tắc cục bộ, đồng thời cũng giám sát chặt chẽ hoạt động của lực lượng làm nhiệm vụ ngoài đường.
Còn CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn cũng dùng thiết bị flycam hỗ trợ các tổ công tác “bắt quả tang”, xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn. Việc làm này đạt được hiệu quả khi CSGT phát hiện, xử lý hơn 50 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Không chỉ thế, một số thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng trên đường bị flycam phát hiện, chỉ điểm cho CSGT xử lý.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó Bộ Công an cũng lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, hệ thống giám sát giao thông là hệ thống thu thập tín hiệu, dữ liệu, âm thanh, hình ảnh về hành trình của phương tiện, tình trạng công trình giao thông và các dữ liệu liên quan khác được xây dựng, lắp đặt trên các tuyến giao thông đường bộ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Việc này nhằm đảm bảo giám sát tình hình an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đồng thời phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác.
Trong đó, thiết bị hỗ trợ hệ thống giám sát giao thông là các thiết bị máy tính bảng, điện thoại, thiết bị chuyên dùng có khả năng tiếp nhận các dữ liệu thông tin vi phạm trên tuyến do trung tâm giám sát chuyển đến và chuyển dữ liệu kết quả xử lý về trung tâm giám sát.
Còn thiết bị giám sát là những thiết bị đo tốc độ tự động có ghi hình, camera giám sát, camera nhận dạng biển số, camera đo đếm lưu lượng phương tiện; các thiết bị khác có khả năng ghi nhận các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và truyền dữ liệu về trung tâm giám sát theo thời gian thực để quản lý…
Hiện nay, Cục CSGT đang xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung, phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu camera. Khi hoàn thành sẽ nghiên cứu phương án trang bị thiết bị di động cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên toàn quốc, để sử dụng ứng dụng.
Quy định còi hiệu ra sao?
Dự thảo thông tư mới quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ cũng quy định âm hiệu còi được sử dụng kết hợp với động tác chỉ huy, điều khiển giao thông. Cụ thể, một tiếng còi dài, mạnh là ra lệnh dừng lại. Một tiếng còi ngắn, nhanh là cho phép đi. Một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn cho phép rẽ trái qua mặt. Hai tiếng còi ngắn, mạnh là báo hiệu đi chậm lại. Ba tiếng còi ngắn, nhanh là báo hiệu đi nhanh lên. Thổi liên tiếp tiếng một, nhiều lần, mạnh là báo hiệu phương tiện dừng lại để kiểm soát hoặc báo hiệu phương tiện vi phạm.
Để thực hiện chỉ huy, điều khiển giao thông tại một số vị trí nhất định có tình hình giao thông phức tạp, cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông có thể sử dụng loa gắn trên các phương tiện, loa pin cầm tay để nhắc nhở, hướng dẫn hoặc yêu cầu người tham gia giao thông chấp hành công tác phân luồng của lực lượng chức năng.
Dự thảo cũng quy định rõ về động tác chỉ huy, điều khiển giao thông của CSGT khi báo hiệu cấm đường, mở đường, bên phải đi nhanh hơn, bên trái đi nhanh hơn, bên phải đi chậm lại, bên trái đi chậm lại, bên phải – bên trái dừng lại, phương tiện rẽ trái qua mặt…