Đông Nam Á sẽ là trung tâm xe điện toàn cầu

Nguồn: BloombergNEF – Dữ liệu: Thanh Bình – Đồ họa: T.ĐẠT

Đầu tháng 7-2024, Indonesia khánh thành nhà máy sản xuất pin xe điện đầu tiên và lớn nhất ở Đông Nam Á tại thị trấn Karawang, tỉnh Tây Java. Bộ trưởng Điều phối đầu tư và hàng hải Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan lúc đó cho biết Indonesia đã sẵn sàng trở thành một nhân tố chủ chốt trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu.

Thị phần xe điện tại các nước

Câu chuyện của Indonesia phần nào cho thấy sự quan tâm to lớn của các nước Đông Nam Á dành cho xe điện. Vậy quốc gia nào sẽ dẫn đầu cuộc đua xe điện ở khu vực này trong tương lai?

Trang nghiên cứu năng lượng BloombergNEF của Hãng Bloomberg cuối tháng 8 công bố báo cáo “Triển vọng xe điện Đông Nam Á năm 2024”, trong đó phân tích tình hình hiện tại của thị trường xe điện ở Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Philippines – sáu thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á.

Theo báo cáo, dự báo Singapore sẽ có thị phần xe điện chở khách lớn nhất ở Đông Nam Á vào năm 2040, với 80% xe chở khách tại đảo quốc sư tử sẽ chạy bằng điện vào thời điểm đó, cao hơn nhiều so với mức trung bình 24% của khu vực. Thái Lan đứng vị trí thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, dự báo là nước có thị phần xe điện chở khách 41%. Tiếp theo là Việt Nam (31%), Indonesia (25%), Malaysia (15%) và Philippines (10%).

Về tình hình hiện nay, Singapore có tỉ lệ sử dụng xe điện cao nhất trong số sáu quốc gia Đông Nam Á kể trên trong năm 2023, với xe điện chiếm khoảng 19% tổng số xe tiêu thụ ở đây. Dữ liệu của Cục Quản lý giao thông đường bộ Singapore cho thấy chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024, xe điện đã chiếm 32,1% số lượng ô tô mới đăng ký ở nước này.

Theo BloombergNEF, Singapore cũng có mật độ trạm sạc xe điện công cộng cao nhất ở Đông Nam Á trong năm 2023, cứ 3 xe điện có 1 trạm sạc. Tại Thái Lan, cứ 16 xe điện có 1 trạm sạc. Với Malaysia, 38 chiếc xe điện có 1 trạm sạc và Indonesia có 1 trạm sạc dành cho mỗi 42 chiếc xe điện.

Phó giáo sư Walter Theseira (Đại học Khoa học xã hội Singapore) cho rằng việc dự báo Singapore sẽ có thị phần xe điện chở khách lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2040 là “không có gì bất thường”. Vị này nói: “Thị trường ô tô Singapore khá khác biệt so với các nước khác trong khu vực và có những yếu tố tại đây giúp việc đón nhận xe điện trở nên rộng rãi hơn nhiều”.

Lý do chính khiến tỉ lệ sử dụng xe điện ngày càng tăng ở Singapore là hệ thống “chứng nhận quyền được sở hữu” (COE) – khuyến khích chủ sở hữu ô tô nộp lại xe của họ sau mỗi 10 năm.

Ngược lại, ở hầu hết các nước khác trong khu vực, chủ xe vẫn có thể giữ xe trong hơn 10 năm hoặc bán chúng trên thị trường đồ cũ cho đến khi không còn sử dụng. Cùng với đó là các chính sách khuyến khích sử dụng xe điện tại đảo quốc sư tử, chẳng hạn sẽ không có ô tô hoặc taxi chạy bằng diesel mới nào được đăng ký tại Singapore từ năm 2025.

Giá pin đóng vai trò quan trọng

Báo cáo của BloombergNEF dự báo đến năm 2040 Đông Nam Á sẽ chiếm 56% doanh số bán xe điện toàn cầu. Điều này cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu về cơ sở hạ tầng như trạm sạc, và nhu cầu tiêu thụ điện dự kiến sẽ tăng hơn 260 lần vào năm 2040.

Trong năm 2023, doanh số xe điện tại sáu quốc gia Đông Nam Á nói trên đã tăng gấp ba lần lên 153.500 chiếc. Sự tăng trưởng đáng kể này là nhờ hai yếu tố chính: các chính sách hỗ trợ của chính phủ và sự hiện diện ngày càng tăng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc trong khu vực.

Chẳng hạn các nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc như BYD, Great Wall Motor và GAC Aion đều có cơ sở sản xuất ở Thái Lan – quốc gia mà cho đến nay là thị trường xe điện lớn nhất trong khu vực, với số xe bán ra tăng hơn bốn lần lên 86.383 chiếc vào năm 2023.

Bà Komal Kareer, tác giả báo cáo BloombergNEF và là nhà nghiên cứu về giao thông sạch ở Nam và Đông Nam Á, cho rằng sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất ô tô mới và hiện có, cùng với chi phí sản xuất pin xe điện giảm, sẽ đẩy nhanh việc sử dụng xe điện trong thập niên tới.

BloombergNEF lưu ý giá pin giảm là “chìa khóa đối với việc đón nhận xe điện”. Chi phí sản xuất pin có thể dao động tùy thuộc vào giá vật liệu thô và các thành phần khác, cũng như các yếu tố cung – cầu. Bà Komal Kareer giải thích điều này là do pin là thành phần đắt nhất của xe điện.

Bà Kareer nói thêm giá pin giảm sẽ giúp xe điện có thể cạnh tranh với xe chạy bằng xăng. Bà chỉ ra rào cản chính đối với việc đón nhận xe điện là tình trạng thiếu các mẫu xe điện có thể cạnh tranh về giá cả cũng như hiệu suất so với ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Trong báo cáo, BloombergNEF dự đoán giá pin xe điện sẽ giảm 17% mỗi khi tổng số lượng pin trên thị trường tăng gấp đôi.

Nơi xe điện Trung Quốc tìm đến

Nhà phân tích Eugene Hsiao, trưởng bộ phận ô tô Trung Quốc tại Công ty tư vấn Macquarie Capital, cho rằng trong bối cảnh các nước phương Tây tăng thuế với xe điện Trung Quốc, Đông Nam Á “có thể sẽ là thị trường quan trọng nhất” đối với các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc trong thời gian tới nhờ vị trí gần nhau, môi trường địa chính trị thân thiện hơn và việc thiếu các nhà sản xuất ô tô lớn tại Đông Nam Á.

Vừa qua, “ông lớn” xe điện Trung Quốc BYD cho biết họ mong muốn thị trường nước ngoài chiếm gần một nửa tổng doanh số bán hàng của mình, tăng từ mức khoảng 16% doanh số bán hàng hiện nay.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *