Với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại như Nhật Bản, việc đồng nội tệ mất giá có thể mang lại nhiều lợi ích về thương mại và du lịch. Tuy nhiên do không thể tự chủ về tài nguyên, Nhật Bản vẫn có thể chịu tổn thất lớn từ sự biến động tỉ giá này.
Cơ hội lớn cho xuất khẩu
Thực tế việc đồng yen rớt giá kỷ lục là kết quả của xu hướng đã bắt đầu từ vài năm qua. Lý do chủ yếu đến từ việc Mỹ liên tục tăng lãi suất trong giai đoạn hậu COVID-19 để kiềm chế lạm phát. Điều này khiến giá trị của đồng USD tăng cao so với các đồng tiền khác.
Dù đã từ bỏ chính sách lãi suất âm hồi tháng 3 sau 17 năm theo đuổi, lãi suất của Nhật Bản vẫn chỉ ở mức từ 0 – 0,1%. Con số này rất thấp so với mức 5,25 – 5,5% của Mỹ. Do đó, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đánh giá khả năng đồng yen tăng giá mạnh trong vài tháng tới vẫn sẽ ở mức rất thấp.
Theo báo Japan Times, việc đồng yen mất giá có thể khiến giá trị hàng xuất khẩu của nước này giảm, từ đó làm tăng đáng kể lượng hàng xuất khẩu. Về lý thuyết, điều này có thể mang lại nguồn lợi lớn cho kinh tế Nhật vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa.
Mặt khác đồng yen rẻ giúp tăng giá trị các nguồn thu từ việc đầu tư nước ngoài. Không ít tập đoàn hàng đầu của Nhật như Sony, Honda, Toyota… có những khoản đầu tư hải ngoại khổng lồ.
Khi đồng yen giảm, khoản doanh thu ngoại tệ này khi về đến Nhật sẽ quy đổi được nhiều tiền hơn, do đó vô hình trung trở nên giá trị hơn. Vào tháng 7-2023, tổng thu nhập quốc dân (GNI) Nhật Bản cao hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến tận 6% – chủ yếu do đồng yen giảm.
Lợi bất cập hại
Tuy nhiên, việc đồng yen mất giá quá nhanh cũng đang có dấu hiệu mang lại nhiều hệ lụy lớn cho nền kinh tế Nhật Bản. Nhật Bản là quốc gia nghèo tài nguyên, do đó hầu hết khoáng sản thô, nhiên liệu và một phần lương thực, phân bón của nước này đều phải nhập khẩu. Việc tiền trong nước hạ giá khiến các khoản chi phí đầu vào trên tăng đáng kể.
Trong một khảo sát của Hãng tin Bloomberg hồi tháng 5, hầu hết các doanh nghiệp Nhật đều khẳng định sức ép từ việc chi phí hàng hóa tăng đang buộc họ dồn một phần tác động sang người dùng, khiến giá cả thị trường tăng vọt. Kinh tế hộ gia đình đang là bên chịu thiệt nhất trong bối cảnh tiền lương ở xứ sở phù tang gần như giậm chân tại chỗ trong nhiều năm.
Tác động của vấn đề này nhân rộng khi kim ngạch thương mại của Nhật Bản liên tục nhập siêu thời gian qua. Từ chỗ xuất siêu 387 tỉ yen hồi tháng 3, Nhật Bản đã chuyển thành nhập siêu 462,5 tỉ yen (3 tỉ USD, tính theo tỉ giá tháng 5-2024) trong tháng 4.
Việc đồng yen biến động mạnh mẽ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế độc đáo của đồng tiền này trong nhiều thập niên.
Trước giai đoạn mất giá, trong suốt vài chục năm đồng yen duy trì vị thế là đồng tiền giá trị thấp nhưng ổn định. Điều này khiến đồng yen trở thành lựa chọn thay thế USD hoặc euro những khi giá trị hai đồng tiền này biến động. Do đó, bất kỳ sự biến đổi kéo dài nào cũng góp phần khiến vị thế trên của đồng yen giảm sút.
Báo Financial Times đánh giá dù các nhà hoạch định kinh tế Nhật đã có một số biện pháp kiềm chế đà rơi của đồng yen, song cục diện “cuộc chơi” này không thật sự nằm trong tay Tokyo. Giá trị của đồng yen so với USD thực tế phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hơn là Ngân hàng Nhật Bản (BoJ).
Ý thức được điều này, giới chức Nhật Bản cũng chưa thật sự tất tay để đẩy giá đồng yen. Ông Soichiro Tateishi, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, đánh giá: “Chính phủ có vẻ đang do dự trong việc can thiệp.
Ví dụ nếu các cơ quan tài chính đột nhiên nhảy vào lúc này, đồng yen có thể tăng lên mức 140 yen đổi 1 USD. Tuy nhiên, chênh lệch lãi suất quá lớn giữa Mỹ và Nhật Bản nhiều khả năng rồi cũng lại đưa mọi thứ về mức hiện tại”.
Quà tặng trời cho với du lịch
Với người Nhật, đồng yen mất giá có thể ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Nhưng với người nước ngoài, đây lại là cơ hội lớn để đến Nhật du lịch vì chi phí lữ hành đổi sang tiền nước họ giảm đáng kể.
Theo báo Japan Times, tổng du khách quốc tế đến Nhật hồi tháng 3 lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 3 triệu, tăng đến 11,6% so với cùng kỳ năm 2019, tức trước dịch COVID-19. Chi tiêu trên đầu người trong ba tháng đầu năm cũng tăng đến 52% so với cùng kỳ năm 2019.
Chị Katia Lelievre, du khách Pháp, chia sẻ khi đến chơi Tokyo: “Tôi vừa mua ba đôi giày. Đây là điều thông thường tôi sẽ không bao giờ làm”.
Trong khi đó chị Saori Iida, nhân viên cửa hàng trang phục truyền thống, cũng cho biết nhiều người thầm quy đổi giá cả sang tiền nước họ và thấy rằng đó là món hời lớn.
“Hôm qua có một vị khách mua một lúc 15 bộ kimono”, chị chia sẻ.
Bà Hồ Như Thảo (giám đốc thương hiệu tại NhatbanAZ, công ty chuyên du lịch Nhật tại TP.HCM):
Khách Việt tăng mua sắm khi đồng yen mất giá
So với thời điểm này năm trước, đồng yen đã mất giá khoảng 5% so với đồng Việt Nam. Điều này sẽ mang đến nhiều lợi ích cho du khách Việt đi Nhật do các chi phí dịch vụ nội địa Nhật có phần tốt hơn.
Tuy nhiên hiện giá tour du lịch vẫn chưa thể giảm vì một số dịch vụ như vé máy bay, xăng dầu, vận hành có sự tăng giá khiến giá các dịch vụ này lại bù qua cho các dịch vụ khác.
Lúc này việc đổi sang tiền yen để mua sắm sẽ có lợi do hàng hóa tại Nhật đang rẻ hơn, các dịch vụ giá cao tại Nhật giờ cũng có giá tốt hơn.
Nếu du khách muốn đến Nhật để mua sắm hoặc trải nghiệm thêm các dịch vụ thì đây là thời điểm có lợi. Nắm bắt được nhu cầu này, một số công ty du lịch cũng đã tổ chức các tour chỉ tập trung vào những trung tâm mua sắm lớn.
Với chi phí thấp hơn, nhiều du khách Việt có thể lựa chọn Nhật Bản làm điểm đến. Mùa hè năm nay lượng khách đến Nhật tăng trưởng khá tốt, đặc biệt số khách du lịch Nhật tự túc.
Tour Nhật trọn gói mùa hè được lựa chọn nhiều là hành trình đi Disneyland hoặc Thủy cung ở biển do đa số khách đi gia đình có trẻ em. So với quý 2 là mùa hoa anh đào, lượng khách đi tour không tăng nhưng khách đặt dịch vụ lẻ tại Nhật lại tăng trưởng tốt.
Ông Trần Tiến Duy (phó tổng giám đốc Công ty Nhật Huy Khang, chuyên xuất khẩu lao động đi Nhật):
Nhiều người Việt ở Nhật e ngại đổi tiền gửi về nhà
Khoảng hai năm gần đây, tỉ giá đồng yen so với tiền đồng Việt Nam đã mất giá 15 – 20%. Đây là con số lớn, ảnh hưởng rõ rệt đến nhu cầu sang Nhật làm việc của người Việt.
Tại công ty chúng tôi, từ đầu năm đến nay, số lao động đăng ký phỏng vấn đi làm việc ở Nhật giảm mạnh, chỉ có hơn 100 người. Trong khi bình quân những năm trước công ty đưa khoảng 600 lao động đi Nhật mỗi năm.
Việc đồng yen mất giá cũng khiến nhiều người e ngại hơn khi đổi tiền để gửi về nhà. Nhiều lao động tính toán trước đây thu nhập của họ nếu đổi sang tiền Việt cũng được từ 28 – 30 triệu thì nay chỉ còn 23 – 24 triệu đồng. Nếu gửi về cho gia đình thì thu nhập bị giảm từ 6 – 7 triệu đồng, tiền tiết kiệm còn lại cũng sẽ rất khiêm tốn.
Một lý do khác là chính sách mới của Nhật cũng cho phép các lao động nước ngoài đang ở Nhật có thể kéo dài thời gian ở lại nếu có việc làm, thay vì ba năm phải về nước như trước. Tuy vậy ngay cả những người ở lại cũng cảm thấy cuộc sống khó khăn hơn do vật giá, chi phí sinh hoạt tăng cao.