Thiết bị bay không người lái (drone) đã được sử dụng nhiều trong cuộc xung đột Nga – Ukraine hơn hai năm qua, thực tế cho thấy sự xuất hiện và phổ biến của drone trên chiến trường đang làm thay đổi ngành công nghiệp quốc phòng.
Các ông lớn và vũ khí nhỏ
Báo Financial Times bình luận sự phát triển nhanh chóng của drone trên chiến trường đang làm thay đổi hệ thống thứ bậc của các ông lớn vốn đã được định hình lâu nay trong ngành công nghiệp quốc phòng thế giới.
Trên thực tế, các chương trình vũ khí truyền thống phải mất nhiều năm, đôi khi là nhiều thập niên để phát triển và phụ thuộc đáng kể vào ngân sách chính phủ cũng như các cơ sở nghiên cứu và thử nghiệm quy mô lớn.
Trong khi đó drone có giá thành rẻ, hiệu quả và chế tạo nhanh đã tạo ra cuộc chơi cân bằng giữa các công ty nhỏ và những công ty lớn trong ngành. Theo Reuters, tổng giá thành các bộ phận tạo nên một chiếc drone, gồm cả đầu đạn nổ được cố định bằng dây cáp, có thể chỉ khoảng 500 USD hoặc ít hơn.
Do đó hiện nay drone không chỉ có thể làm thay đổi hoàn toàn chiến trường, mà sự phổ biến của chúng cũng đang làm thay đổi ngành công nghiệp quốc phòng khi những công ty mới nổi lên thách thức các công ty lâu đời như Lockheed Martin, Raytheon và BAE Systems.
“Điều trớ trêu là các công ty lớn cũng đã tham gia thị trường này, nhưng họ lại bị ngắt quãng”, ông Byron Callan, CEO Công ty phân tích Capital Alpha Partners, bình luận. Chẳng hạn Lockheed Martin đã tham gia phát triển MQM-105 Aquila để làm thiết bị điều khiển từ xa đầu tiên trên chiến trường cho quân đội Mỹ, nhưng chương trình này cuối cùng đã bị hủy bỏ.
Trong số những công ty mới nổi có AeroVironment, một nhà thầu quốc phòng nhỏ của Mỹ, đã trở nên nổi tiếng sau khi drone cảm tử Switchblade của họ trở thành biểu tượng cho sự kháng cự của Ukraine.
Được thành lập năm 1971 tại bang California, AeroVironment hiện có trụ sở chính gần Lầu Năm Góc ở TP Arlington, bang Virginia, đã ký kết nhiều hợp đồng với chính phủ. Ông Church Hutton, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ của công ty, cho biết họ đang thấy “sự quan tâm từ Chính phủ Mỹ, vốn muốn đẩy nhanh quá trình mua sắm theo một số cách để phù hợp với tốc độ đổi mới trong ngành”.
Các start-up công nghệ cũng đã tham gia ngành này, bao gồm công ty phân tích dữ liệu Mỹ Palantir Technologies có vốn hóa thị trường 58 tỉ USD, Công ty Rebellion Defense (Mỹ) hay Công ty Helsing từ châu Âu.
Công ty công nghệ quốc phòng Mỹ Anduril Industries là một trong những bên hưởng lợi lớn nhất từ nhu cầu ngày càng tăng của quân đội đối với drone. Hàng trăm drone tấn công Altius-600M của họ đã được Lầu Năm Góc mua và gửi đến Ukraine.
Cùng với đó là General Atomics, công ty đã được Không quân Mỹ lựa chọn để chế tạo và thử nghiệm các mẫu drone cho giai đoạn tiếp theo của chương trình máy bay chiến đấu.
Chìa khóa là tốc độ
Mặc dù drone đã trở nên phổ biến trong cuộc chiến ở Ukraine, song nó không phải chỉ mới xuất hiện gần đây. Các loại drone đầu tiên, như Kettering Bug, đã được Mỹ và Anh phát triển từ Thế chiến 1, nhưng không được dùng trong chiến đấu.
Các drone trinh sát đầu tiên được Mỹ triển khai trên quy mô lớn, sau đó các nước khác bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào drone. Nhưng chính sự ra đời của drone giá rẻ – thường do Trung Quốc sản xuất, kết hợp với phần mềm được trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ – đã cho thấy cách thức drone có thể thay đổi bản chất chiến tranh.
Dễ thấy được điều này trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh hồi năm 2020, khi Azerbaijan sử dụng drone để tấn công xe tăng và căn cứ logistics của Armenia.
Kể từ đó việc sử dụng drone ngày càng tăng. Nhận thấy tầm quan trọng của drone, Ukraine đã tăng từ mức chỉ có sáu nhà sản xuất drone (trước cuộc chiến Nga – Ukraine) lên hơn 200, có khả năng sản xuất 1 triệu drone mỗi năm.
Theo ông Micael Johansson – CEO của nhà thầu quốc phòng Thụy Điển Saab, Ukraine đã cho thấy “thời gian đưa ra thị trường và sự phát triển nhanh chóng là những thứ quan trọng”.
Ông nói: “Thay vì phát triển một sản phẩm hoàn hảo có thể mất nhiều năm, việc làm ra các sản phẩm nhanh chóng – có thể được thử nghiệm, điều chỉnh và lại thử nghiệm – là điều quan trọng. Tốc độ là yếu tố then chốt”.
Không chỉ ngành công nghiệp quốc phòng cần thay đổi, chính phủ các nước cũng sẽ phải thay đổi cách họ mua vũ khí để theo kịp quá trình phát triển nhanh hơn nhiều của vũ khí và hệ thống tự động có AI hỗ trợ.
Drone “nhỏ nhưng có võ”
Trong cuộc chiến ở Ukraine, giới quan sát đã chứng kiến việc triển khai drone ở quy mô chưa từng có, với hàng ngàn drone được dùng để theo dõi đối phương, dẫn đường cho pháo binh và ném bom mục tiêu.
Trong đó drone với chế độ xem góc nhìn đầu tiên (FPV) nhỏ gọn và giá rẻ đã chứng tỏ là một trong những vũ khí mạnh nhất trong cuộc chiến này khi mà các chiến đấu cơ không thể triển khai thường xuyên vì mật độ dày đặc các hệ thống phòng không gần tiền tuyến, theo Reuters.
Các công ty của Ukraine nay cũng đã sản xuất được drone bay tầm xa đến 1.000km trong khi hơn một năm trước đây là điều không thể.