Đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng tốc độ 160km/h chi phí hơn 8,4 tỉ USD

Bản đồ hướng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Nguồn: Tư vấn TEDI-TRICC-HP-CCTDI

Đó là nội dung chính của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến các bộ ngành để làm cơ sở hoàn thiện trình Thủ tướng trong tháng 1-2025.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do Liên danh TEDI-TRICC-HP-CCTDI lập, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vận chuyển chung hành khách và hàng hóa.

Trong ngắn hạn đây là tuyến đường đơn (1 đường ray), khổ đường 1.435mm, điện khí hóa, tải trọng 22,5 tấn/trục. Giai đoạn sau, tuyến đường sắt này sẽ nâng cấp thành đường đôi (2 đường ray). Tốc độ thiết kế 160km/h cho giai đoạn 1, khi xây dựng thành đường đôi sẽ nâng tốc độ thiết kế trên 200km/h.

Với tốc độ thiết kế trên, đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có thể chở khách từ Lào Cai tới Hải Phòng với tốc độ trên 120km/h, thời gian chạy tàu thường khoảng 4,6 tiếng, tàu nhanh khoảng 3,5 tiếng, tàu hàng khoảng 5,4 tiếng (đường bộ hiện tại khoảng 6 tiếng).

Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có điểm đầu tại điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc, thuộc TP Lào Cai; điểm cuối tại ga cảng Lạch Huyện, TP Hải Phòng.

Tuyến đường sắt này đi qua 9 tỉnh, thành: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng với tổng chiều dài chính tuyến 388,1km.

Trong đó: đoạn ga Lào Cai – ga cảng Lạch Huyện dài 383km; đoạn ga Lào Cai – điểm nối ray 5,1km; tuyến nhánh nối cảng Đình Vũ 7,3km; tuyến kết nối ga Yên Thường – ga Yên Viên, ga Kim Sơn – ga Yên Viên 7,73km.

Toàn tuyến có 30 nhà ga, gồm: 3 ga lập tàu, 13 ga hỗn hợp và 14 ga kỹ thuật. Bố trí 1 depot tàu hàng tại ga Yên Thường, 1 depot tàu khách tại ga Yên Viên và 2 trạm chỉnh đầu máy, toa xe tại ga Lào Cai và ga Nam Hải Phòng.

Theo tính toán của tư vấn, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có năng lực thông qua dự kiến đến năm 2050 khoảng 14,7 triệu hành khách và 21,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Nhu cầu sử dụng đất của toàn dự án khoảng 2.576ha, có 4.761 hộ dân cần tái định cư để nhường đất cho dự án.

Tổng mức đầu tư (bao gồm lãi vay) dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng giai đoạn 1 được tư vấn tính toán khoảng 205.931 tỉ đồng (tương đương 8,483 tỉ USD). Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 29.560 tỉ đồng (giai đoạn hoàn thiện); chi phí xây dựng 107.653 tỉ đồng, chi phí phương tiện 9.472 tỉ đồng; chi phí thiết bị 1.906 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 14.283 tỉ đồng; chi phí dự phòng 30.025 tỉ đồng.

Suất đầu tư của tuyến dự án khoảng 15,43 triệu USD/km là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt quốc gia trên thế giới có cùng dải tốc độ khi quy đổi về thời điểm năm 2024.

Tư vấn đề xuất nguồn vốn dự án bao gồm vay ODA và vốn ngân sách. Đầu tư hạ tầng và phương tiện theo hình thức đầu tư công. Sau khi đưa dự án vào khai thác, sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phương tiện, kinh doanh vận tải và trả phí thuê hạ tầng cho nhà nước. Phương án chi tiết sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong các giai đoạn tiếp theo của dự án.

Khai thác đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng từ năm 2031

Về tiến độ thực hiện dự án, tư vấn đề xuất Bộ Giao thông vận tải thẩm định nội bộ nghiên cứu tiền khả thi tháng 1-2025; trình Hội đồng thẩm định nhà nước và Chính phủ trong tháng 2-2025; trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 3-2025.

Đồng thời thực hiện công tác lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng… trong các năm từ 2025-2027; thi công xây dựng từ quý 4-2025 đến quý 4-2030; khai thác vận hành thử, đưa vào khai thác từ đầu năm 2031.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *