Đó là lời khẳng định của ông Jean Jacques Buouflet – phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong bài phát biểu gửi đến “Diễn đàn Quốc gia về thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam – EU và phát triển bền vững” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TPHCM ngày 21-8.
Cần hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển xanh
Ông Jean Jacques Buouflet ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng khung chính sách phát triển kinh tế xanh. Cụ thể, Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và triển khai các chiến lược quốc gia liên quan đến rừng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Buouflet, hiện tại Việt Nam còn thiếu các khung pháp lý chi tiết cho từng ngành và lĩnh vực cụ thể về phát triển kinh tế xanh cũng như quy định về việc huy động nguồn vốn hỗ trợ tài chính cho phát triển xanh còn nhiều hạn chế.
Do đó, EuroCham khuyến nghị Việt Nam tiếp tục phát triển các khung pháp lý và gia tăng nguồn lực xã hội để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh. Phó chủ tịch EuroCham khuyến khích Việt Nam tận dụng kinh nghiệm và kiến thức quốc tế để đảm bảo quá trình phát triển không bị lệch hướng và không lãng phí nguồn lực.
EuroCham cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, giao thông xanh và tài chính xanh…
Ông Jean Jacques Buouflet cho hay EuroCham sẵn sàng phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm với các ngành của Việt Nam để phát triển một nền kinh tế xanh bền vững.
Thị phần của Việt Nam tại thị trường EU chỉ đạt 13%
Bà Bùi Hoàng Yến – phó giám đốc văn phòng đại diện tại TP.HCM của Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương – chỉ ra rằng dù Việt Nam nhận được nhiều ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), thị phần của Việt Nam tại thị trường EU chỉ đạt 13%, và tỷ lệ hàng hóa tận dụng ưu đãi thuế quan của EU chỉ đạt 1,8%.
Lý giải nguyên nhân, bà Yến do hay thị trường EU là một thị tường khó tính, bên cạnh những tiêu chuẩn khắt khe về kỹ thuật, doanh nghiệp Việt buộc phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao về xanh hoá.
Theo đó, EU đã triển khai Thỏa thuận Xanh từ nhiều năm nay, với 35 yêu cầu thực thi nhằm đảm bảo phát triển bền vững và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Những quy định này không chỉ áp dụng cho Việt Nam mà còn cho tất cả các quốc gia khi làm ăn với EU.
Bà Yến cho hay các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn về truy xuất nguồn gốc và quy hoạch vùng nguyên liệu.
Theo bà Yến, một tín hiệu đáng mừng là chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam trong năm 2023 đã tăng 7 bậc. “Hành trình xanh hoá ghi nhận đã có những tín hiệu tích cực, dù khó khăn những đây là con đường buộc phải đi nếu doanh nghiệp muốn tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Yến chia sẻ.
Trong khi đó, ông Võ Tân Thành, phó chủ tịch VCCI, nhấn mạnh vai trò quan trọng của thị trường EU. Với Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA), EU đã mở cửa cho hàng hóa và dịch vụ Việt Nam với mức độ ưu đãi cao nhất so với các quốc gia khác trong khu vực.
“Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng mô hình sản xuất bền vững, xanh hoá từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Thành nhấn mạnh.