Lo lắng là cảm xúc của nhiều gia đình sinh sống ở các huyện vùng ven TP.HCM sau khi có thông tin bảng giá đất dự kiến mà Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang cho lấy ý kiến sẽ được điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với bảng giá đất hiện hành của TP.HCM.
Cấp sổ đất ở mất hơn 17 tỉ đồng với giá đất mới
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà N.T.N cho hay gia đình bà có thửa đất 1.000m2 tại xã Bà Điểm (Hóc Môn) tiếp giáp với đường song hành quốc lộ 22.
Toàn bộ thửa đất là đất lúa và chưa được cấp sổ. Tuy nhiên, thực tế hiện trạng đất gia đình bà đã được sử dụng để chia cho các thành viên gia đình xây nhà, làm vườn kín hết đất, ở ổn định từ trước ngày 15-10-1993 đến nay.
Do thửa đất của gia đình bà N. vướng rất nhiều vào quy hoạch đường Xuyên Á và một số lý do chủ quan nên vẫn chưa làm thủ tục để cơ quan chức năng cấp sổ.
Đến năm 2023, sau khi không còn vướng mắc về quy hoạch gia đình bà N. tổ chức đo vẽ và tiến hành các thủ tục, hồ sơ để nộp cho huyện Hóc Môn cấp sổ.
Đến hiện nay, hồ sơ của gia đình bà N. đã hoàn thiện nộp cho UBND huyện.
Tuy nhiên, khi biết bảng giá đất của TP.HCM dự kiến ban hành từ ngày 1-8 thì đường song hành quốc lộ 22 tăng giá đến 50 lần (từ 780.000 đồng/m2 lên đến 39 triệu đồng/m2 ) khiến bà N. không khỏi cảm thấy bị sốc.
Bởi lẽ bà N. nhẩm tính, đất nhà bà 1.000m2, trừ đi lộ giới là 312m2 và 200m2 đất ở theo hạn mức được công nhận (không phải đóng tiền sử dụng đất) mà TP.HCM mới ban hành thì nhà bà còn phải đóng tiền sử dụng đất cho nhà nước đến hơn 17 tỉ đồng nếu muốn được cấp sổ công nhận đất ở.
“Số tiền đó là không thể tưởng tượng đối với gia đình tôi. Chúng tôi không thể kiếm đâu ra số tiền đấy để đóng tiền sử dụng đất cho nhà nước nếu muốn công nhận, cấp sổ là đất ở…”, bà N. chia sẻ.
Nhiều người dân gặp khó với tiền sử dụng đất, thuế…
Cùng với nỗi lo lắng như gia đình bà N.T.N, gia đình bà T.T.K ở đường gần đường Lê Thị Hà (Hóc Môn) cũng lo lắng không kém khi đất gia tộc nhiều đời để lại gia đình bà vẫn chưa làm sổ.
“Trong khi giá đất ở đường Lê Thị Hà từ 1.560.000 đồng/m2 dự kiến điều chỉnh tăng lên thành 52.200.000 đồng/m2 (tăng hơn 33 lần).
Như vậy tiền chênh lệch phải đóng để công nhận đất ở sẽ tăng lên rất nhiều, gia đình tôi không thể kham nổi…”, bà K. than.
Trước giá đất tăng quá khả năng của gia đình, bà N.T.N cũng chia sẻ gia đình bà được người quen tư vấn là vẫn làm sổ nhưng không đóng tiền để công nhận đất ở mà chỉ làm thủ tục để công nhận thửa đất vẫn là đất nông nghiệp, trong đó có phần diện tích 200m2 được công nhận là đất ở mà không phải đóng tiền sử dụng đất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một cán bộ huyện Hóc Môn cho hay trước đây đường song hành Quốc lộ 22 chưa được đưa vào bảng tính giá đất điều chỉnh.
Lần này tuyến đường trên được điều chỉnh giá căn cứ vào giá đất liền kề đất quốc Lộ 22.
“Đồng thời nhiều tuyến đường ở Hóc Môn cũng được điều chỉnh giá tăng lên mấy chục lần. Việc này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân khi nhiều hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất vẫn chưa được cấp sổ….”.
Giá đất tăng kéo theo các khoản thuế, phí sẽ tăng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hải Long – cố vấn pháp lý của một công ty Luật cho rằng giá đất tăng kéo theo tiền sử dụng đất, thuế, phí… đều tăng theo tương ứng.
Các nghĩa vụ tài chính trên sẽ đè nặng lên người dân TP.HCM khi họ làm các thủ tục liên quan cấp sổ, đóng thuế sử dụng đất… nhất là các huyện tại TP.HCM là nơi mà điều kiện kinh tế, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.
“Các huyện là nơi có tỉ lệ tăng giá đất cao nhất, trong khi đây lại là địa bàn còn nhiều người dân sử dụng đất từ nhiều đời nhưng lại chưa làm sổ do vướng quy hoạch hoặc chưa có điều kiện làm sổ… Dự thảo bảng giá đất đang lấy ý kiến, mong rằng sẽ được xem xét thấu đáo vấn đề này…”, ông Long nói.