Giảm trừ gia cảnh, tội nghiệp cho ngưỡng 20%!

Cứ đà này có khi hằng năm phải điều chỉnh giảm trừ gia cảnh mới duy trì chất lượng sống của người dân – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Có người hỏi, một trong những lý do Bộ Tài chính chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ sau lần điều chỉnh gần nhất là 2020 đến hết 2023 mới là 11%, chưa đạt mức 20%, vậy tại sao ngưỡng điều chỉnh không là 5 hay 10% mà là tới 20%?

Câu hỏi hơi cắc cớ vì luật đã quy định thế nhưng xem ra lại có lý.

Và càng thấm thía hơn khi lật lại bối cảnh ra đời của con số 20% trong Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Khi đó lạm phát là hai con số, có năm là 22,97%, khác xa hiện nay, mới thấy cử tri có lý khi kiến nghị tăng giảm trừ gia cảnh và Bộ Tài chính có nên kiên trì với ngưỡng 20%?

Giả sử Luật Thuế TNCN quy định mức tăng CPI là 5 hay 10% hoặc sau hai năm sẽ xem lại, thì nay người dân đã được xem xét tăng ngưỡng giảm trừ gia cảnh, chứ không phải lòng vòng như mấy năm qua, cử tri cứ kêu, Bộ Tài chính cứ “chưa thể”.

CPI và mức giảm trừ gia cảnh ảnh hưởng đến chất lượng sống toàn dân. CPI biến động 20% cũng có nghĩa sức mua giảm 1/5.

Kể từ lần tăng ngưỡng giảm trừ gia cảnh gần nhất là 2020, đến nay CPI đã tăng khoảng 15% làm sức mua của người dân suy giảm, vậy tại sao ngưỡng giảm trừ gia cảnh không tăng lên tương ứng?

Chẳng lẽ chất lượng cuộc sống của người dân đã đi xuống và còn tiếp tục đi xuống cho đến khi CPI tăng đủ 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh?

Trở lại bối cảnh ra đời của con số 20% mới thấy Bộ Tài chính chưa chia sẻ thấu đáo các kiến nghị của cử tri.

Mức 20% được Quốc hội đưa vào Luật Thuế TNCN năm 2012. Đây là lúc nền kinh tế trải qua giai đoạn phát triển nóng nhưng vĩ mô có vấn đề.

Tăng trưởng GDP khá ấn tượng, có năm đạt 8,48% nhưng kèm theo đó là lạm phát rất cao, có năm ở mức hai con số (năm 2007: 8,3%; 2008: 22,97%, 2009: 6,88%, 2010: 11,75%, 2011: 18,13%, 2012: 6,81%…) khiến chất lượng cuộc sống người dân cực kỳ khó khăn.

Cứ đà này có khi hằng năm phải điều chỉnh giảm trừ gia cảnh mới duy trì chất lượng sống của người dân.

Không thể kéo dài tình trạng lạm phát cao, năm 2011 Chính phủ đã có nghị quyết 11 về ổn định kinh tế vi mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, chuyển mô hình từ tăng trưởng cao sang bền vững.

Từ đây đã mở ra một giai đoạn mới: CPI luôn tăng thấp hơn mức tăng GDP, nhờ vậy cuộc sống của người dân mới được cải thiện.

Do vậy, nếu cứ lấy ngưỡng 20% của thời kỳ GDP tăng trưởng nóng (mức tăng CPI luôn cao hơn tăng GDP) để áp dụng cho thời kỳ ổn định (tăng CPI thấp hơn GDP) là… có gì không đúng!

Chính vì thế mới có chuyện cử tri ở nhiều tỉnh thành liên tục đề nghị điều chỉnh, báo chí đã dùng đến từ “lạc hậu” khi đề cập đến mức giảm trừ gia cảnh nhưng Bộ Tài chính vẫn kiên trì sửa theo lộ trình, đến tháng 5-2026, tức là dù đến nay CPI tăng khoảng 15% nhưng xem ra chẳng có chuyện gì xảy ra với sức mua và chất lượng sống của người dân cả!?

Cũng cần nói thêm là giai đoạn 2006 – 2012 dù lạm phát cao nhưng nhờ GDP tăng nóng nên kiếm tiền dễ hơn. Đặc biệt là tín dụng ngân hàng, tiền bơm ra nền kinh tế khá nhiều nên người dân dễ có “đồng vào, đồng ra” hơn.

Thị trường chứng khoán, bất động sản lên vù vù, các công ty đua nhau ra đời, việc làm có ở khắp nơi, tiền vào và ra như nước sông Đà. Còn hiện nay, CPI chỉ là một con số nhỏ nhưng tiền kiếm quá khó, ngay ngân hàng tìm đủ cách nhưng tiền ra nền kinh tế vẫn nhỏ giọt.

Con số 20% của Luật Thuế TNCN là không sai nhưng gần chục năm qua, kể từ 2014, đã không còn phù hợp với giai đoạn lạm phát luôn thấp hơn tăng trưởng (năm 2014 CPI là 1,84%, năm 2015: 0,63%, năm 2016: 2,66%…).

Không phù hợp thì phải sửa ngay chứ cứ kiên trì “chưa thể” thì thật là quá tội cho con số 20%.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *