Gỡ mặt bằng cho dự án đường cao tốc, quyết tâm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi các kỹ sư, công nhân tại dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu ngày 24-9 – Ảnh: SƠN ĐỊNH

Kế hoạch này có 5 nội dung thi đua, trong đó nội dung thứ 5 là thi đua tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, chấp hành tốt chủ trương, tích cực tham gia giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng thuộc dự án đường cao tốc tại địa bàn cư trú.

Tuổi Trẻ đã ghi nhận tình hình giải phóng mặt bằng thực tế tại một số đoạn cao tốc và biện pháp xử lý của các địa phương.

Nhà thầu chờ mặt bằng

Tại khu vực Đông Nam Bộ, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được kỳ vọng sẽ gỡ tắc nghẽn giao thông qua lại giữa các tỉnh thành nhưng đang bị “tai tiếng” vì quá chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.

Theo Ban 85 (chủ đầu tư dự án thành phần 2, Bộ Giao thông vận tải), dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Tuy nhiên, Ban 85 cho hay vướng mắc hiện nay chủ yếu thuộc dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là khâu giải phóng mặt bằng.

Việc giải phóng mặt bằng ở dự án thành phần 1 mới đạt 58,5%, dự án thành phần 2 đạt 70,3%. Nguyên nhân do chậm phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư.

Cũng theo Ban 85, ở hai dự án thành phần trên, theo quy hoạch có ba nút giao lớn sẽ kết nối vào cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, nút giao sân bay Long Thành và nút giao Bến Lức – Long Thành.

Vì vậy, Ban 85 mong muốn tỉnh Đồng Nai sớm bàn giao thêm mặt bằng để nhà thầu thi công kịp tiến độ cho toàn tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu để kết nối vào các nút giao.

Cũng liên quan đến dự án cao tốc, ông Nguyễn Ân, một chuyên gia giao thông, cho hay tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây – một phần của trục cao tốc Bắc – Nam phía Đông thường xuyên ách tắc, nhất là đoạn qua cầu Long Thành và trạm thu phí Long Phước.

Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng đang “làm khó” các tuyến cao tốc. Cạnh đó, các giải pháp đưa ra vẫn còn chậm và chưa có lối ra.

Ông Ân dẫn chứng giải pháp khả thi nhất để hỗ trợ sân bay Long Thành hiện tại là nhanh chóng mở rộng và nâng cấp 22km đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn từ TP.HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu).

“Thế nhưng, các thủ tục chuẩn bị đầu tư mở rộng mặt bằng làm cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đến nay vẫn đang được thảo luận mà chưa có quyết định phê duyệt chủ trương triển khai.

Trong khi đó, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ kể từ bây giờ, sớm nhất cũng phải đến năm 2027 mới xong, tức là chậm hơn so với thời điểm sân bay Long Thành dự kiến đi vào hoạt động”, ông Ân nói.

Gỡ mặt bằng cho dự án đường cao tốc - Ảnh 2.

Đồ họa: T.ĐẠT

Không thể chậm hơn nữa

Đánh giá về việc thi công các đường cao tốc hiện nay, ông Ân cho rằng dù tiến độ có thể chậm, nhưng quan trọng là phải hành động ngay bây giờ để đẩy nhanh quá trình thi công, tránh tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng khi sân bay bắt đầu vận hành.

Đặc biệt, sân bay Long Thành theo quy hoạch sẽ đón 80% là lượng khách quốc tế. Nếu lần đầu đến sân bay gặp cảnh ách tắc mọi ngả đường, du khách sẽ e ngại và điều này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam. Vì vậy, các thủ tục triển khai dự án không thể chậm trễ hơn nữa.

Còn TS Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, nói rằng các dự án cao tốc đang triển khai hiện nay không chỉ đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực phía Nam, mà còn góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 3.000km cao tốc đưa vào khai thác.

Việc đảm bảo đúng tiến độ các dự án không chỉ là nhiệm vụ kinh tế – xã hội mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do đó thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đã vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, ông Thuận cũng chỉ ra rằng nhiều dự án vẫn đang có những trở ngại liên quan đến mặt bằng, vật liệu và thủ tục giải quyết các vướng mắc quá chậm.

Chẳng hạn với nguồn đất đắp cho dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, dù Chính phủ đã có chỉ đạo và nghị quyết Quốc hội đã có ý kiến nhưng đến nay có địa phương vẫn loay hoay.

“Để đảm bảo tiến độ dự án, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị liên quan trong việc giải quyết các vướng mắc.

Những cán bộ né tránh cần được luân chuyển ngay, vì chậm thủ tục một ngày trên bàn giấy có thể gây tổn thất lớn tại công trường.

Với tinh thần phấn đấu 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km cao tốc đã được Thủ tướng phát động, chúng ta không thể chấp nhận việc chỉ di dời một cột điện mà mất đến ba tháng hay giải quyết vấn đề vật liệu mà kéo dài gần một năm chưa xong”, TS Thuận nhấn mạnh.

Gỡ mặt bằng cho dự án đường cao tốc - Ảnh 3.

“Nút thắt” cuối cùng về mặt bằng cao tốc Bắc – Nam qua Quảng Bình tại xã Phú Thủy sẽ được cưỡng chế để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công – Ảnh: QUỐC NAM

Chúng tôi đã giải thích cặn kẽ những quy định được áp dụng nhưng các hộ dân vẫn không đồng tình nên buộc phải thực hiện giải pháp cuối cùng là cưỡng chế. Sau cưỡng chế, nếu vẫn chưa đồng tình, các hộ dân này vẫn có thể khởi kiện ra tòa nếu thấy chưa thỏa đáng.

Ông ĐẶNG ĐẠI TÌNH (chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy)

Biện pháp cuối cùng: cưỡng chế

Đó là kinh nghiệm của Quảng Trị và Quảng Bình. Như tại Quảng Trị, tại dự án đường cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đoạn qua huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) hiện vẫn còn 200m mặt bằng qua Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị chưa thể bàn giao.

Theo đó, công ty này đã có nhiều đề xuất, hỗ trợ sân bê tông, kho điện cơ, gara, đất đắp, san nền vượt ra ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký quỹ đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới…

Trong đó, huyện Vĩnh Linh đã chủ động hỗ trợ thêm 50% đơn giá với một số tài sản, đất đắp nền mà công ty này đã đầu tư.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị đã giao các sở liên quan hỗ trợ về thủ tục để nhà đầu tư di dời, bàn giao mặt bằng.

Theo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, việc thiếu 200m khiến mặt bằng tuyến không liền mạch, việc thi công không thể thông suốt.

“Có sớm mặt bằng chừng nào thì ban chủ động kế hoạch công việc, đốc thúc các nhà thầu thi công”, đại diện Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho hay.

Mới đây, hôm 19-9, Huyện ủy Vĩnh Linh ra thông báo đồng ý cưỡng chế nhưng vẫn phân công nhiều đơn vị tiếp tục vận động công ty bàn giao mặt bằng. Dự kiến, huyện Vĩnh Linh sẽ cưỡng chế trong tháng 9 này.

Tương tự, tại Quảng Bình, đến chiều 23-9 mặt bằng đường cao tốc Bắc – Nam qua Quảng Bình chỉ còn “nút thắt” cuối cùng, khoảng 200m tại xã Phú Thủy (Lệ Thủy). Chính quyền huyện này đang dùng biện pháp mạnh với những hộ dân để giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.

Ông Đặng Đại Tình, chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), cho biết chính quyền huyện đã ra quyết định cưỡng chế đối với những hộ dân này.

Trước đó cơ quan chức năng đã nhiều lần vận động, trao đổi với các hộ dân để tìm kiếm sự đồng thuận nhưng không được hợp tác vì không đồng thuận với phương án đền bù giá đất, loại đất; chưa đồng ý với vị trí khu tái định cư.

Được biết từ giữa tháng 9, việc cưỡng chế này đã được huyện Lệ Thủy triển khai. Hai hộ dân đầu tiên thuộc xã Phú Thủy đã bị cưỡng chế. Hiện còn 15 hộ dân ở địa phương này chưa đồng tình giải phóng mặt bằng.

Ông Tình nói đã có một số hộ đồng ý di dời nhưng vừa qua bão số 4 nên chưa di dời được. “Còn một số hộ khác chúng tôi sẽ tiếp tục cưỡng chế để kịp giao mặt bằng cho đơn vị thi công cao tốc Bắc – Nam”, ông Tình cho hay.

Chìa khóa đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu trong tay Đồng Nai

Chiều 24-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi thực địa và nghe báo cáo tiến độ thi công dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai.

Sau khi nghe chủ đầu tư báo cáo việc bàn giao mặt bằng chậm, Thủ tướng Chính phủ cho rằng Đồng Nai nỗ lực giải phóng mặt bằng nhiều dự án đáng biểu dương. Tuy nhiên, Đồng Nai giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu còn chậm.

Thủ tướng nói: “Tuyến cao tốc gần 60km thì việc lớn nhất ở đây là giải phóng mặt bằng. Bà Rịa – Vũng Tàu có 20km đã làm sắp xong rồi.

Đồng Nai phải tập trung cả hệ thống chính trị giải phóng mặt bằng. Đến 15-10, cam kết phải bàn giao mặt bằng dự án thành phần 2 cho nhà thầu thi công. Chìa khóa đang nằm trong tay Đồng Nai nên có vướng mắc phải báo ngay Thủ tướng, không để trì trệ”.

Theo Thủ tướng, có ba việc phải tập trung làm là giải phóng mặt bằng, cấp mỏ đất đắp theo cơ chế đặc thù và thi công. Do đó, Bộ Giao thông vận tải cũng phải khẩn trương đẩy nhanh thi công, giải quyết vật liệu đất đắp, làm nhanh thủ tục.

“Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là tuyến huyết mạch nên nhà thầu phải thi công “3 ca, 4 kíp”, làm ngày làm đêm, xuyên ngày nghỉ, xuyên Tết bởi tuyến cao tốc này đưa vào hoạt động rất quan trọng, tạo ra động lực tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đến kiểm tra tiến độ dự án sân bay Long Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói có đủ cơ sở để rút ngắn tiến độ, cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 dự án sân bay vào 31-12-2025. Do đó, chủ đầu tư xây dựng lại đường găng tiến độ phù hợp với mục tiêu rút ngắn tiến độ và quyết tâm thực hiện.

Đồng Nai phải kích hoạt mọi nguồn lực để phát triển

Ngày 24-9, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.

Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho 17 doanh nghiệp có tổng vốn đầu tư hơn 6 tỉ USD và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh ở nhiều lĩnh vực.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc Đồng Nai công bố quy hoạch có vai trò rất quan trọng. Đây là cơ sở để tạo ra những cơ hội mới.

Do đó, Đồng Nai tiếp tục bám sát chủ trương chính sách của đất nước, của vùng, của địa phương và khát vọng của người dân. Trong quá trình phát triển, phải đặt con người là trung tâm, chủ thể và phải có tầm nhìn, chiến lược phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.

Thủ tướng cho rằng Đồng Nai có quy hoạch chung rồi thì phải kích hoạt mọi nguồn lực xã hội để phát triển. Tập trung xây dựng nguồn nhân lực, lo an sinh xã hội. Phát triển nhưng không để những người yếu bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng lưu ý Đồng Nai nằm ở vị trí quan trọng của vùng Đông Nam Bộ nên cần tư duy về kết nối giao thông, đô thị của vùng. Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa, kết nối văn hóa, giáo dục, thể thao… của cả khu vực. Để làm được những điều này cần huy động nguồn lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, tập trung đột phá về khoa học kỹ thuật…

Gỡ mặt bằng cho dự án đường cao tốc - Ảnh 1.

Khi nhận được mặt bằng các đơn vị thi công khẩn trương làm các cây cầu, cống trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận – Ảnh: MINH KHANG

Tiến độ đường Hồ Chí Minh qua Kiên Giang thế nào?

Ngày 23-9, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã họp ban chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng và nguồn vật liệu cho dự án đường Hồ Chí Minh qua tỉnh này. Theo đó, Kiên Giang phấn đấu cơ bản bàn giao 90% mặt bằng trước 15-10 để các nhà thầu tăng tốc thi công trong thời gian tới.

Dự án đi qua bốn huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao và Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, phần còn lại nằm ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Quy mô đường cấp 3 đồng bằng, hai làn xe. Tổng mức đầu tư trên 3.904 tỉ đồng.

Cố gắng giao mặt bằng trong tháng 10

Ông Nguyễn Vũ Quý, giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông vận tải), nói việc thi công tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận phụ thuộc vào tiến độ bàn giao mặt bằng.

Về giải phóng mặt bằng, vướng mắc ở huyện Gò Quao có phát sinh 117 hộ khi đo đạc, kiểm đếm và chưa ban hành thông báo thu hồi đất.

Các huyện Châu Thành, Gò Quao chưa điều chỉnh thông báo thu hồi đất đối với các hộ có sai lệch thông tin; công tác lập dự án xây dựng khu tái định cư của Gò Quao và Vĩnh Thuận chậm.

Khu tái định cư 2 của huyện Gò Quao chưa phê duyệt dự án đầu tư, khu tái định cư huyện Vĩnh Thuận chưa tổ chức đấu thầu…

Ông Võ Văn Trà, chủ tịch UBND huyện Gò Quao, cho hay phần đường Hồ Chí Minh đi qua Gò Quao hơn 22km và là đoạn dài nhất, đến nay đã giao hơn 34% mặt bằng.

Trong tuần này, huyện sẽ chi trả bồi thường cho bà con và trong tháng 10 phải giải ngân hơn 200 tỉ đồng nhưng một số hộ chưa đồng ý. “Từ nay đến tháng 10 thì chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động, đối thoại hết khả năng. Trong tháng 10 thì rất khó giao mặt bằng cho chủ đầu tư”, ông Trà nói.

Ông Lê Văn Đủ, phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, cho hay đến thời điểm này, địa phương đã bàn giao mặt bằng 100% cho đường cao tốc Bắc – Nam, với chiều dài qua địa phương hơn 23,7km (đường nhánh và đường chính). Riêng đường Hồ Chí Minh có hơn 12km qua địa phương đã bàn giao hơn 85% mặt bằng.

Dự kiến cuối tháng 10 sẽ bàn giao 100%. “Hầu hết đất nông nghiệp được bà con đồng tình rất cao và đã bàn giao rất sớm cho chủ đầu tư. Riêng đất phi nông nghiệp, đất nhà ở thì bà con còn khiếu nại, so sánh giữa giá bồi thường và giá thị trường. Chính phủ yêu cầu phải bàn giao mặt bằng trong tháng 10 này nên chúng tôi phải cố gắng”, ông Đủ nói.

Có mặt bằng lại lo thiếu cát

Được biết, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án là 1.951 triệu m3. Đến nay, dự án mới xác định được nguồn cát đắp nền khoảng 375.000m3 (cát thương mại), còn thiếu khoảng 1.576 triệu m3.

Đến nay, Tỉnh ủy Kiên Giang đã chấp thuận chủ trương cấp mỏ vật liệu san lấp từ biển ven Bãi Bắc, xã Lại Sơn, huyện Kiến Hải (quy hoạch khai thác 100ha) theo cơ chế đặc thù.

Hiện nay, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cùng nhà thầu thi công đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh Kiên Giang để triển khai các bước tiếp theo.

“Lúc đó, chúng tôi sẽ cân đối cát, cách tiếp cận mặt bằng và phần chờ lún của đường thì mới biết dự án chậm thế nào.

Trước mắt, chủ đầu tư và địa phương đang nỗ lực hết mình. Nếu mặt bằng được bàn giao sớm và kết hợp với các diễn biến mỏ cát biển được khai thác sớm thì dự án có thể đạt được vào cuối năm sau”, ông Nguyễn Vũ Quý nói.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *