Hạn chế khoan giếng, khai thác nước ngầm tại 78 vùng ở Khánh Hòa

Một khu vực thôn Thủy Triều tại bắc bán đảo Cam Ranh thuộc vùng bị hạn chế khai thác nước ngầm – Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt danh mục và bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (nước ngầm) tại 78 vùng trong toàn tỉnh, tổng diện tích hơn 160,2km2. Đó là những vùng liền kề các khu vực bị nhiễm mặn.

Các vùng bị hạn chế khoan giếng, khai thác nước ngầm nêu trên thuộc 78 xã, phường, thị trấn của các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa và 2 TP Nha Trang, Cam Ranh.

Vùng bị hạn chế khai thác nước ngầm có phạm vi rộng nhất là ở xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm), bao gồm toàn bộ các thôn từ chân đèo Cù Hin đến hết phía nam của xã (tổng diện tích 18,47km2). Còn vùng có phạm vi hạn chế hẹp nhất (0,027km2) ở khu vực phía tây bắc phường Phương Sài (TP Nha Trang).

Các biện pháp hạn chế khai thác nước ngầm tại các vùng theo quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa bao gồm không chấp thuận đăng ký, cấp các giấy phép thăm dò, khai thác nước ngầm để xây dựng thêm các công trình khai thác nước dưới đất mới. Trừ trường hợp khoan thay thế giếng thuộc công trình đã được cấp giấy phép theo quy định.

Những công trình có giấy phép khai thác, sử dụng nước ngầm hoặc giấy phép khai thác nước dưới đất được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép đã được cấp và được xem xét cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nhưng không được vượt quá lưu lượng nước khai thác đã được cấp phép trước đó.

Trường hợp công trình đã đăng ký thì tiếp tục khai thác nhưng không được tăng lưu lượng khai thác đã được cấp phép.

Không phải tất cả giếng trong vùng bị hạn chế khai thác nước đều phải trám lấp

Phản ánh với Tuổi Trẻ Online, nhiều người dân băn khoăn về quy định vừa ban hành và không rõ toàn bộ giếng đang có tại các vùng bị hạn chế khai thác nước dưới đất có bị lấp hay không.

Theo một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, quyết định được nêu của UBND tỉnh Khánh Hòa đã quy định rõ “đối với công trình đang khai thác nước dưới đất nhưng không có giấy phép khai thác hoặc không đăng ký khai thác nước dưới đất thì phải dừng khai thác”.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc xử lý vi phạm đối với việc khai thác nước ngầm không có giấy phép, buộc các chủ công trình không phép đó phải thực hiện biện pháp trám lấp giếng theo quy định, trừ trường hợp khai thác nước ngầm để cấp nước cho mục đích sinh hoạt.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *