‘Hà bá’ lăm le nhà dân ở làng gốm Kim Lan

“Hà bá” lăm le nuốt nhà dân ở làng gốm Kim Lan

Theo lãnh đạo UBND xã Kim Lan, hai hộ dân có 19 nhân khẩu nằm trong nguy cơ sạt lở cao đã được di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn. Trong khi đó người dân làng gốm Kim Lan lo sợ mất nhà, đất sản xuất.

Sau một đêm mảnh vườn rộng hơn 100m2 “biến mất”

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ Online cho thấy tình trạng sạt lở khu vực cạnh sông Hồng trên địa bàn xã Kim Lan có diễn biến phức tạp trong thời gian qua.

Là một trong những hộ dân đã được di dời đến nhà văn hóa của thôn, chiều 25-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị Đỗ Thị Trang Nhung (33 tuổi, thôn 4, xã Kim Lan) cho biết chỉ sau một đêm mảnh vườn rộng hơn 100m2 của gia đình đã bị trôi tuột xuống sông Hồng.

‘Hà bá’ lăm le nuốt nhà dân ở làng gốm Kim Lan - Ảnh 2.

Chị Nhung mong sớm có bờ kè kiên cố để ổn định cuộc sống

“Chúng tôi vô cùng hoang mang vì trước khi xảy ra sạt lở đất không có biểu hiện gì bất thường. Hôm đó là rạng sáng 11-8, mảnh vườn rộng hơn 100m2 và nhà lán sản xuất đồ gốm đã bị trôi xuống sông Hồng. Đến ngày 13-9 tôi và người thân tận mắt nhìn thấy nhiều cây trong vườn cao hơn 10m bị cuốn phăng xuống sông, vài giây sau không còn thấy ngọn nữa”, chị Nhung kể.

Theo chị Nhung, đến ngày 22-9 thì khu vực gia đình chị sinh sống lại tiếp tục xảy ra sạt lở vào sát móng nhà. “Gia đình tôi ở đám đất có sổ đỏ, ông cha đã bao đời ở đây làm nghề gốm. Mong muốn TP Hà Nội sớm kè đoạn bờ sông Hồng này để người dân yên tâm sản xuất”, chị Nhung nói.

Là một trong những gia đình có xưởng sản xuất gốm gần điểm sạt lở ở thôn 4, anh Nguyễn Văn Toản (34 tuổi) cho hay do đặc thù làm gốm nên người dân rất cần quỹ đất rộng để sản xuất. Thời gian gần đây tình hình sạt lở diễn ra liên tiếp nên người dân rất lo lắng.

“Thiên tai, lũ lụt không thể nói trước được nên rất mong Nhà nước đầu tư kinh phí làm bờ kè kiên cố…”, anh Toản nói.

‘Hà bá’ lăm le nhà dân ở làng gốm Kim Lan - Ảnh 3.

Nhiều diện tích đất của người dân đã bị cuốn xuống sông Hồng – Ảnh: DANH KHANG

Để ngăn sạt lở cần bờ kè dài 2km bao quanh xã Kim Lan?

Ông Lê Văn Thuận – phó chủ tịch UBND xã Kim Lan – cho biết từ đầu tháng 8 đến nay hàng trăm m2 đất của xã đã trôi xuống sông Hồng. Trước tình hình sạt lở, lãnh đạo huyện Gia Lâm, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã kiểm tra, khảo sát, lên phương án làm bờ kè dài khoảng 300-400m.

“Một diện tích đất rất lớn của xã đã bị cuốn xuống sông Hồng. Để xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở, theo tôi thì cần phải xây dựng bờ kè dài khoảng 2km bao quanh xã Kim Lan”, ông Thuận nói.

Theo ông Thuận, cả xã có khoảng 330 hộ dân làm nghề gốm trong làng gốm cổ Kim Lan. Đối với hộ dân sản xuất gốm bị ảnh hưởng do sạt lở phải di dời đến nhà văn hóa được chính quyền địa phương tạo điều kiện để hoạt động nghề trong thời gian chờ xây dựng bờ kè.

Ngày 26-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Văn Học, phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, cho biết Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã trình UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án cấp bách để xử lý sự cố sạt lở mới xảy ra ở xã Kim Lan. Trước mắt có thể làm bờ kè dài khoảng 300-400m.

Theo lãnh đạo huyện Gia Lâm, trong thời gian tới lực lượng chức năng sẽ tiến hành khảo sát bờ sông Hồng trên địa bàn toàn xã Kim Lan, từ đó đề xuất giải pháp lâu dài, ổn định cho người dân.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng cho biết dự án bờ kè cứng ở bờ sông Hồng trên địa bàn xã Kim Lan đã được đơn vị này trình lên UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt.

Theo UBND xã Kim Lan, tại thôn 5 và thôn 4 nguy cơ sạt lở vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, ăn sâu vào nhà dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do mực nước sông Hồng lên cao rồi rút nhanh và nền đất yếu.

Tại thôn 4 tình trạng sạt lở bắt đầu từ ngày 12-8. Đến ngày 16-9, chiều dài khu vực sạt lở khoảng 110m, rộng 5-10m, cung sạt lở cách công trình nhà dân gần nhất 1m. Ngày 17-9, cung sạt lở có chiều dài khoảng 100m, ăn sâu vào đất liền rộng từ 2-12m.

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ cho thấy đến nay khu vực thôn 4 đã xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở mới.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *