Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là mục tiêu mà ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội bền bỉ theo đuổi trong nhiều năm qua.
Từ “Tiếng trống học bài”
Để “dạy thật”, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đã tăng cường, chủ động trong công tác hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế lĩnh vực giáo dục đào tạo; bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên thủ đô.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính riêng năm học 2023-2024, ngành giáo dục thủ đô đã tổ chức lớp bồi dưỡng, nâng cao phương pháp dạy học, công nghệ thông tin ở nước ngoài cho 56 giáo viên tại Úc…
Hà Nội cũng triển khai nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, hiệu quả, nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hay được nhân rộng: phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển – Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025, cấp học mầm non có mô hình mỗi cơ sở giáo dục mầm non là một không gian sáng tạo.
Chương trình hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT trên ứng dụng HANOI ON và phát sóng trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cũng đã mang lại nhiều tác động tích cực, tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Đặc biệt là phong trào Tiếng trống học bài tại huyện Ba Vì mang lại hiệu quả lớn bởi cách làm sáng tạo.
Xuất phát từ sáng kiến thực hiện tại xã Phú Châu (Ba Vì, Hà Nội), Tiếng trống học bài nhắc học sinh học bài buổi tối đã lan ra nhiều nơi ở Hà Nội.
Năm 2016, tại xã Phú Châu, sau mỗi giờ ăn tối, tiếng trống báo vang lên và loa công cộng của xã phát đi thông tin “Đã đến giờ học tối, đề nghị phụ huynh giảm bớt hoạt động không cần thiết, tạo không gian yên tĩnh cho học sinh học bài”.
Khi nghe trống và loa báo, nhiều trẻ em đang chơi tự giác ngừng lại ngồi vào bàn học. Các bậc phụ huynh cũng giảm âm lượng tivi, giữ yên lặng cho con học.
Việc nhỏ nhưng hiệu quả thu nhận lại lớn. Nhiều phụ huynh cho biết trước đây vất vả nhắc nhở, mắng mỏ nhưng con không chịu tự học tối. Nhưng từ khi nghe trống báo, không cần chờ bố mẹ nhắc con đã ngồi vào bàn học.
Bởi tính hiệu quả, Tiếng trống học bài lan ra nhiều xã khác ở Ba Vì và một số nơi ở Hà Nội.
Ông Trần Thế Cương – giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết năm học 2024-2025 Tiếng trống học bài sẽ triển khai như một trong các nhiệm vụ năm học, vì đây là cách rèn nề nếp tự học cho học sinh, góp phần nâng chất lượng giáo dục.
Đến “Trường học 5 hạnh phúc”
Song song với việc dạy chữ, ngành giáo dục và đào tạo thủ đô cũng rất chú trọng dạy “lễ” cho các con em, để tiếp tục xây dựng nên những lớp công dân thủ đô xứng danh “người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Trong chương trình giảng dạy ở nhà trường phổ thông, Hà Nội tăng cường lồng ghép vào các môn học để bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, gương mẫu và tinh thần thượng tôn pháp luật trong học sinh.
Ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã triển khai cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trên trang điện tử http://hocvalamtheobac.vn.
Số lượng đảng viên là học sinh toàn ngành tính đến tháng 8-2024 là 318 đảng viên.
Hà Nội cũng tổ chức thành công Liên hoan hợp xướng với chủ đề “Vang mãi bài ca dâng Đảng”, Hội khỏe Phù Đổng thành phố Hà Nội lần thứ 10 năm 2024 cho học sinh phổ thông. Đây là hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao có ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện thể lực trong học sinh; tạo không khí thi đua phấn khởi, sôi nổi trong các nhà trường.
Ngành giáo dục và đào tạo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025; Kế hoạch tổ chức trò chơi dân gian trong trường học đến năm 2025 (kế hoạch số 3511/KH-SGDĐT ngày 27/9/2023); ban hành bộ tiêu chí “Trường học 5 hạnh phúc” cho các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, ngành giáo dục và đào tạo thủ đô tiếp tục đổi mới, phát huy hiệu quả việc triển khai giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” trong các trường phổ thông; giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh gắn với giáo dục giá trị sống cho học sinh; triển khai kế hoạch giảng dạy đại trà tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho cấp học mầm non, kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa trong trường học”.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lịch sử địa phương gắn với giáo dục nếp sống văn hóa trong các nhà trường…
Nhiều quận huyện có những sáng kiến riêng như: quận Ba Đình đẩy mạnh mô hình “Phát triển văn hóa đọc” góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thúc đẩy học tập suốt đời.
Quận Hoàn Kiếm tiếp tục phát huy chương trình “Sáng mãi nét đẹp thanh lịch, văn minh” trong các nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả về việc giáo dục văn hóa giao tiếp cho học sinh, khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ học sinh về truyền thống thanh lịch, nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội…
Giáo dục mũi nhọn đạt kết quả xuất sắc
Với những giải pháp, nỗ lực của toàn ngành, chất lượng giáo dục toàn diện ổn định và tiếp tục được nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt kết quả xuất sắc; kết quả giáo dục nhận thức, nhân cách, lối sống của học sinh có nhiều chuyển biến tích cực.
Hà Nội đạt mục tiêu từng bước cải thiện thứ hạng đối với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 99,45% xếp thứ 24 toàn quốc; đến năm 2024 đạt 99,81%, xếp thứ 11 toàn quốc (tăng 13 bậc so với năm 2021).
Học sinh thủ đô tiếp tục đạt thành tích nổi bật, khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước với 264 học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 144 huy chương, giải thưởng tại các kỳ thi cấp quốc tế.
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo thủ đô tiếp tục được thành phố ghi nhận, bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của thủ đô.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2022, năm 2023; được Cụm thi đua các thành phố thuộc trung ương đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua xuất sắc; được thành phố Hà Nội trình Hội đồng Thi đua – Khen thưởng trung ương tặng Huân chương Lao động hạng nhất nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành giáo dục và đào tạo thủ đô.