Hàng Việt lên sàn thương mại điện tử thế giới: Quá chông gai

Doanh nghiệp Việt Nam livestream bán hàng trong nước khá thành công, nhưng thiếu hỗ trợ để tiến ra quốc tế – Ảnh: N.BÌNH

Trong khi các nhà bán hàng quốc tế có thể dễ dàng mở gian hàng trên các nền tảng thương mại điện tử và bán hàng vào Việt Nam, hành trình đưa hàng Việt ra thế giới vô cùng gian nan.

Mấu chốt của vấn đề nằm ở việc hàng Việt thiếu một bệ đỡ hệ thống logistics quốc tế và hệ thống thanh toán liền mạch, thuận tiện.

Logistics của Việt Nam chưa vươn ra thế giới

Chị Hân (TP.HCM), người bắt đầu kinh doanh trên Amazon từ năm 2011, kể ngay từ đầu, chị Hân và nhóm của mình đã nhận ra rằng việc tìm được công ty vận chuyển và nắm bắt được hệ thống giao hàng là yếu tố quyết định để thâm nhập thị trường Mỹ.

“Trong suốt thời gian đầu, tôi và nhóm của tôi đã tự tìm hiểu qua Internet cách sử dụng những phần mềm của các công ty vận chuyển ở Mỹ.

Sau đó với những kết nối của bà con, bạn bè chúng tôi mới xây dựng được một kênh vận chuyển riêng với chi phí chấp nhận được cho hàng hóa của mình”, chị Hân kể lại.

Tuy nhiên, đặc thù của các kiện hàng trong thương mại điện tử chủ yếu là kích thước nhỏ và nhẹ, việc tìm được một công ty vận chuyển có mức giá tính đến trọng lượng nhỏ 50g, 100g là rất khó vào thời điểm đó.

Các hãng vận chuyển lớn như UPS, FedEx, DHL đều có mức tối thiểu là 0,5kg, không phù hợp với thương mại điện tử.

Bưu điện Việt Nam tuy có giá thành tương đối chấp nhận được nhưng quy trình gửi hàng không được số hóa, thêm vào đó là khả năng hàng thất lạc, không giao thành công rất cao.

Thời gian vận chuyển cũng là một yếu tố quan trọng. Chị Hân nói: “Nếu vào 2011 khi chúng tôi bán hàng tại Amazon, khách hàng hiểu và chấp nhận thời gian vận chuyển là 14 – 21 ngày cho một món hàng vận chuyển từ nước ngoài, nhưng hiện nay với mức độ cạnh tranh và tốc độ vận chuyển của các nhà bán hàng Trung Quốc chỉ từ 3 – 7 ngày, nếu vẫn vận chuyển trong thời gian trên, khả năng cạnh tranh của sản phẩm từ Việt Nam gần như không có. Vận chuyển càng nhanh, khách hàng sẽ càng dễ hài lòng và quay lại và hàng Việt thua ngay bước đầu tiên”.

Đáng buồn là dù hơn 10 năm trên thị trường, những hạn chế về logistics vẫn chưa thay đổi nhiều khiến hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu đi các nước khá nhọc công và bơ vơ, ít được tư vấn.

Rất nhiều nhà bán hàng trong nước từng có tham vọng vươn ra nước ngoài, nhưng để mở được một kênh bán hàng qua một sàn thương mại điện tử ở quốc gia khác, nhà bán hàng phải giải được bài toán logistics.

Bà Đỗ Thị Toán, đại diện thương hiệu Yến sào Đỗ Thị Toán, một nhãn hàng bán hàng khá thành công trên TikTok, chia sẻ rằng việc bán hàng Việt Nam ra nước ngoài qua kênh thương mại điện tử không dễ và đến nay vẫn khá mông lung với các doanh nghiệp Việt Nam do thiếu kênh hỗ trợ.

Ngoài việc phải chứng minh và tuân thủ các yêu cầu về chất lượng hàng hóa, nhà bán hàng cũng phải tìm ra được mức chi phí cũng như thời gian vận chuyển hợp lý với hàng hóa và khách hàng của họ. Đây là những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của các nhà bán hàng Việt Nam.

Ngành mũi nhọn xuất khẩu cũng gặp khó

Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn, ngay cả những ngành được coi là mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi muốn thâm nhập thị trường quốc tế qua thương mại điện tử.

Trường hợp của anh N. (Quảng Ngãi) là một ví dụ. Khi nhìn thấy tiềm năng từ nguồn mo cau dồi dào ở địa phương, anh N. nảy sinh ý tưởng làm các sản phẩm gia dụng như chén, muỗng, đĩa nhằm cung cấp cho thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, sau khi đầu tư máy móc dây chuyền và sản xuất ra sản phẩm, mặt hàng của anh N. bị đứng bởi đối tác xuất khẩu gặp khó do đối tác tiêu thụ sản phẩm cũng gặp khó… vì khâu logistics.

Tại Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon 2024, ông Trương Văn Cẩm, phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ: “Là mũi nhọn xuất khẩu song hàng chục năm qua, dệt may Việt vẫn tồn tại nhiều thách thức từ việc đầu ra phụ thuộc quá nhiều vào đối tác xuất khẩu; chưa được khách hàng biết đến rộng rãi do phần lớn sản phẩm gia công để xuất khẩu cho thương hiệu bán lẻ nước ngoài”.

Ông Cẩm nhận định tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới là cơ hội tốt để doanh nghiệp dệt may Việt Nam xây dựng thương hiệu.

Việt Nam có ưu thế cạnh tranh về giá cả khi là nước trực tiếp sản xuất, kỹ thuật tay nghề và chất lượng sản phẩm được các nhà nhập khẩu đánh giá tốt.

Tuy nhiên, để tiếp cận với thị trường có tính cạnh tranh cao như Mỹ hay châu Âu sẽ còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết, trong đó bài toán vận chuyển và xây dựng hệ thống phân phối không hề đơn giản.

Hai nhóm doanh nghiệp trong thương mại điện tử xuyên biên giới

Ông Gijae Seong, giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, phân loại doanh nghiệp và nhà bán hàng Việt Nam thành hai nhóm chính trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới.

Nhóm thứ nhất là các online seller, những người đã quen với môi trường kinh doanh trực tuyến và có kỹ năng số.

Họ nhanh nhạy với xu hướng thị trường nhưng còn thiếu tầm nhìn dài hạn và khả năng sáng tạo sản phẩm. Thách thức của nhóm này là xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững và phát triển thương hiệu mạnh.

Nhóm thứ hai gồm các nhà sản xuất truyền thống và chủ thương hiệu. Họ có thế mạnh về năng lực sản xuất nhưng chưa thành thạo trong việc xây dựng thương hiệu trên môi trường số.

Kinh nghiệm của họ chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa với phương pháp truyền thống. Khi bước vào thị trường quốc tế trực tuyến như Mỹ hay châu Âu, họ cần phải thích nghi với cách tiếp cận hoàn toàn mới trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *