Chương trình do Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai phối hợp với Đội cảnh sát giao thông quận 3 (Công an TP.HCM) thực hiện. Buổi tuyên truyền hướng đến mục tiêu giáo dục các em học sinh nắm vững những quy định của Luật Giao thông đường bộ cũng như những kỹ năng điều khiển xe máy an toàn. Nhằm hạn chế tối đa vấn đề vi phạm an toàn giao thông hoặc tai nạn giao thông.
Chấp hành nghiêm luật an toàn giao thông vì tính mạng của chính mình
Tại chương trình, báo cáo viên thuộc Đội cảnh sát giao thông quận 3 đã thông tin cho các em học sinh về tình hình tai nạn giao thông, vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, phổ biến cho học sinh các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến những hành vi vi phạm thường gặp của các em như: quy định về đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định khi tham gia giao thông, độ tuổi được cấp giấy phép lái xe, được điều khiển các phương tiện nào khi tham gia giao thông và các hình thức xử lý khi học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ; nhấn mạnh về vai trò và trách nhiệm của người tham gia giao thông đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông…
Báo cáo viên đã trình chiếu những đoạn phim thực tế từ các vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân bắt nguồn từ các vi phạm quy định về an toàn giao thông, sau đó cùng học sinh phân tích tình huống dẫn đến tai nạn khiến nhiều học sinh tích cực tiếp thu kiến thức.
Bạn Phúc Khang (học sinh lớp 10A15) cho biết bạn cảm thấy bất ngờ khi được tận mắt chứng kiến những vụ tai nạn kinh hoàng. Sau khi cùng phân tích với lực lượng công an, các em đã nhận thấy việc tuân thủ an toàn giao thông không chỉ để “không bị phạt” mà còn là để bảo đảm tính mạng, sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.
Trách nhiệm chung để bảo vệ các em học sinh
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thầy Nguyễn Văn Ba – phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 – chia sẻ: “Nhà trường đang nỗ lực đẩy mạnh các công tác tuyên truyền cho học sinh về các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông.
Việc phối hợp với Đội cảnh sát giao thông quận 3 tổ chức chương trình là một trong những hoạt động thường niên của trường. Ngoài việc tuyên truyền dưới sân trường, ban giám hiệu cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp thường xuyên nhắc nhở, vận động các em luôn chấp hành luật an toàn giao thông đường bộ.
Bãi xe của trường cũng đã được yêu cầu không nhận giữ phương tiện trên 50cc của học sinh khi vào trường và ghi nhận báo cáo lại với ban giám hiệu”.
Cũng theo thầy Văn Ba, sự nỗ lực của nhà trường sẽ không đạt được hiệu quả cao nhất nếu như không có sự phối hợp của phụ huynh và học sinh. Nhà trường đã yêu cầu phụ huynh ký cam kết trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông cho con em mình khi đến trường. Nhiều phụ huynh cũng còn chểnh mảng khi đưa đón các em học sinh mà không mang mũ bảo hiểm, giao xe trên 50cc cho các con tự chạy đi học khi các con chưa đủ tuổi theo quy định.
Kết hợp được sự nỗ lực của nhà trường, sự quan tâm của phụ huynh và ý thức tự giác của học sinh là chìa khóa để giúp tạo nên môi trường giao thông an toàn cho các em di chuyển đến trường mỗi ngày
Thiếu tá Nguyễn Anh Thoại, cán bộ Đội cảnh sát giao thông quận 3, chia sẻ: “Trong tháng 10 thực hiện đợt ra quân cao điểm về an toàn giao thông trên địa bàn TP.HCM, Công an quận 3 nói riêng và các cơ quan đoàn thể có liên quan đều tham gia trong công tác tuyên truyền nhằm mục đích nâng cao ý thức của học sinh và cả phụ huynh nghiêm túc chấp hành luật an toàn giao thông đường bộ.
Câu chuyện học sinh vi phạm giao thông không chỉ lỗi ở học sinh mà còn do nhiều phụ huynh chưa có nhận thức cao trong quá trình đưa đón con em đến trường.
Từ đầu năm học, Công an quận 3 đã ra quân xử lý hơn 30 trường hợp học sinh vi phạm về luật an toàn giao thông trên địa bàn. Các em vi phạm sẽ được tổng hợp và gửi danh sách về các trường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc đánh giá xét hạnh kiểm trong năm học của các em học sinh.