Sáng 9-7, Peng Chun Sheng (27 tuổi) nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ báo chí. Sheng tốt nghiệp cử nhân báo chí Đại học Văn hóa Trung Quốc (Đài Bắc, Đài Loan) năm 2019.
Vừa học thạc sĩ, vừa học văn hóa
Nói về lý do chọn học thạc sĩ báo chí, Sheng cho biết rất tình cờ và thú vị. Cuối năm 2019, Sheng một mình qua Việt Nam học tiếng Việt. Sheng dự định học trong 6 tháng, sau đó quay về Đài Loan tìm việc.
“Không nhiều phóng viên truyền hình Đài Loan nói được tiếng Việt. Do đó, nếu vừa có tiếng Anh vừa nói được tiếng Việt sẽ đặc biệt hơn những phóng viên khác” – Sheng chia sẻ.
Thế nhưng 6 tháng ấy đã kéo dài đến tận bây giờ và có thể sau này. Sheng nói sau 6 tháng học tiếng Việt, bản thân rất thích sống tại Việt Nam.
“Tính cách người Việt cởi mở, thích giúp đỡ người khác. Tôi đã được nhiều người giúp đỡ và rất biết ơn điều đó. TP.HCM cũng rất sôi động, khác với vẻ khá yên tĩnh tại Cao Hùng quê hương tôi, kể cả Đài Bắc. Đồ ăn Việt Nam cũng rất ngon. Hủ tiếu Nam Vang thực sự rất ngon. Rồi còn có hột vịt lộn, một mình tôi có thể ăn hết 6 quả” – Sheng chia sẻ thêm.
Học thạc sĩ không chỉ học kiến thức, ngôn ngữ mà quan trọng là có môi trường để quan sát, học về văn hóa, phong tục tập quán người Việt. Tôi dự định tận dụng những điều mình học được để làm việc lâu dài ở Việt Nam.
Peng Chun Sheng
Việc chọn Việt Nam cũng có phần vì có liên quan đến Việt Nam. Ông ngoại Sheng là người Hoa, từng sống ở Việt Nam và mẹ Sheng sinh ra ở đây. Tuy nhiên sau đó cả gia đình chuyển về Đài Loan. Khi Sheng còn nhỏ, ba Sheng cũng có thời gian làm việc tại Việt Nam.
“Dù không sinh ra và cũng không phải người gốc Việt nhưng tôi cảm nhận có sự liên quan với Việt Nam nên đã chọn nơi đây học tập” – Sheng nói thêm về lý do đến Việt Nam học tập.
Sheng nói bản thân từng học báo nên muốn học thạc sĩ báo chí. Nhưng mục đích chính khi học thạc sĩ là để học thêm tiếng Việt.
“Tôi có đọc được thông tin tuyển sinh thạc sĩ báo chí khóa 1 và đã lên khoa hỏi thông tin. Trưởng khoa nói người nước ngoài có thể học được và tôi đã đăng ký” – Sheng nhớ lại.
Sheng sau đó được xét trúng tuyển, không phải thi tuyển như các học viên khác.
Học tiếng Việt từ bà bán rau ngoài chợ
Tốt nghiệp thạc sĩ báo chí, nhiều người hỏi Sheng học được gì. Việc học được gì đối với Sheng không quá quan trọng. Điều quan trọng là tiếng Việt của Sheng đã thành thạo hơn rất nhiều, hiểu thêm về hoạt động báo chí tại Việt Nam, có thêm nhiều mối quan hệ mới trong quá trình học thạc sĩ.
Trước đây, Sheng vừa học vừa dạy kèm tiếng Trung (phồn thể) cho học sinh tại TP.HCM. Tuy nhiên gần đây, Sheng có thêm nhiệm vụ mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và cơ quan giáo dục Đài Loan hợp tác. Sheng được Cơ quan giáo dục Đài Loan cử giảng dạy tiếng Trung tại một trường đại học tại TP.HCM.
Học tiếng Trung với nhiều người Việt cũng tương tự như Sheng lúc bắt đầu học tiếng Việt. Tất cả bắt đầu từ số 0. Sheng nói học tiếng Việt ở trường, sách vở chỉ là một phần, điều quan trọng là giao tiếp hằng ngày, phải nói nhiều.
Nói mà người nghe không hiểu cũng không sao. Họ sẽ không bắt bẻ vì bạn nói sai bởi bạn đang học tiếng và cố gắng để có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ của họ.
“Lúc còn học tiếng Việt tôi rất hay đi chợ. Tôi đi để nói chuyện với bà bán rau, ông bán nước mía, chú sửa xe. Có những điều tôi nói họ không hiểu nhưng tôi không buồn. Bởi tôi biết mình cần phải cố gắng nhiều hơn. Họ cũng đã cố gắng lắng nghe, cố gắng hiểu những gì tôi nói.
Thế nên tôi luôn khuyến khích học sinh của mình nói nhiều, nói sai cũng được. Nói mới biết mình sai ở đâu mà sửa, nói nhiều sẽ tự tin hơn” – Sheng chia sẻ thêm.