Trong thông tư ban hành ngày 8-7, Cơ quan Thực phẩm nhà nước Singapore (SFA) đã phê duyệt 16 loài côn trùng ăn được cho việc bán và tiêu thụ trong nước. Các loài côn trùng được SFA phê duyệt bao gồm châu chấu, sâu bột và một số loài bọ cánh cứng.
“Với hiệu lực ngay lập tức, SFA sẽ cho phép nhập khẩu côn trùng và các sản phẩm từ côn trùng thuộc các loài được đánh giá là không có nhiều lo ngại pháp lý”, Đài CNN dẫn thông cáo của SFA.
Theo SFA, các loại côn trùng và sản phẩm từ côn trùng được cho phép sẽ có thể được dùng như thực phẩm cho con người, hoặc thức ăn cho các động vật nuôi lấy thịt. Bên cạnh đó, các loại côn trùng được cấp phép tiêu thụ sẽ không được “thu hoạch từ thiên nhiên”.
“Cần có tài liệu chứng minh rằng nguồn côn trùng được nuôi trong các cơ sở do các cơ quan có thẩm quyền quản lý”, SFA lưu ý thêm.
Giống như hầu hết các nơi trên thế giới, ăn côn trùng vẫn còn là điều mới lạ ở Singapore. Các nhà nghiên cứu ghi nhận hơn 2.100 loài côn trùng có thể ăn được, với nhiều loài trong số đó chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng, đóng vai trò là nguồn cung protein cao và bền vững, trái ngược với các loại vật nuôi lấy thịt thải ra nhiều khí methane khác.
Theo báo cáo năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, côn trùng là nguồn protein bị bỏ qua, và tiêu thụ côn trùng cũng là một cách đối phó với biến đổi khí hậu.
“Việc tiêu thụ protein từ động vật của chúng ta là nguồn phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Tiêu thụ côn trùng có thể bù đắp cho biến đổi khí hậu theo nhiều cách”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Trong khi đó, bánh taco châu chấu là một món ngon phổ biến tại một số vùng ở Mexico. Kiến, dế và nhện cũng là nguồn thực phẩm ở một số nước Đông Nam Á như Thái Lan hay Campuchia.