Vào giữa tháng 12-2024, sau hàng loạt đồn đoán từ báo giới quốc tế, Honda và Nissan đã chính thức lên tiếng xác nhận họ đang thảo luận sáp nhập trong vòng 6 tháng tới. Mitsubishi là một thương hiệu khác cũng đang tham gia vào quá trình đàm phán này.
Nếu quá trình đàm phán diễn ra thuận lợi, tập đoàn tạo thành từ Honda, Nissan và Mitsubishi sẽ hình thành vào năm 2026. Honda sẽ là bên nắm đằng chuôi, với phần lớn ban lãnh đạo do họ đề xuất. Giá trị tập đoàn mới dự kiến không thấp hơn 50 tỉ USD.
Doanh số tiềm năng của họ (8 triệu xe/năm) hứa hẹn đưa tập đoàn mới thành thế lực lớn thứ 3 làng xe toàn cầu sau Toyota và Volkswagen.
Dù thương vụ này về lý thuyết là hành động cứu đồng hương Nissan của Honda, “kẻ thù số 1” của Nissan là cựu CEO Carlos Ghosn cho rằng Honda thực tế không hề muốn làm vậy.
Cụ thể, khi trao đổi với tờ Bloomberg, ông cho rằng Honda và Nissan có quá nhiều điểm chung với nhau nên việc mua lại để chia sẻ công nghệ là bất hợp lý. Thay vào đó, người từng bị hãng tố cáo tham nhũng và bị Nhật truy nã khẳng định trên thực tế Honda… bị Nhật thúc ép tham gia vào quá trình thâu tóm Nissan.
Theo cựu CEO Nissan, Honda buộc phải để ý tới đồng hương là vì Nhật không muốn một trong những hãng xe lớn nhất của mình rơi vào tay công ty của một quốc gia khác.
Trước đó, từ tháng 8 trước khi tin đồn 2 phía sáp nhập bùng nổ, vị lãnh đạo này chính là người đầu tiên cho rằng Honda sẽ sớm thâu tóm Nissan. Bởi vậy, ông chắc chắn có hiểu biết không nhỏ về sự việc này.
Carlos Ghosn từng được mệnh danh là “cứu tinh” giúp liên minh Renault – Nissan vươn mình trở thành thế lực lớn của làng xe toàn cầu. Tuy nhiên, vào cuối thập kỷ trước, quan hệ giữa 2 bên rạn nứt khi vị CEO vào thời điểm đó bị tố tham nhũng.
Ông trốn khỏi Nhật Bản theo cách như trong phim Hollywood (trốn vào thùng và được máy bay tư nhân chở đi) vào năm 2019. Kể từ đó, vị cựu lãnh đạo Nissan này luôn lên tiếng cho rằng Nissan đang đi xuống dần và thực tế kết quả kinh doanh của họ cũng nói lên điều đó.