Ra đời không biết mặt cha, gần 9 tháng trước thì cô học trò Lê Vũ Hoài Trinh ở Phú Yên mất luôn mẹ. Từ đó, Trinh vừa làm chị, vừa “vào vai” cha mẹ để đùm bọc đứa em gái nhỏ chuẩn bị vào lớp 5 vượt qua giông gió cuộc đời.
Căn nhà của ba mẹ con Trinh nằm cạnh quốc lộ 29 ở phường Hòa Hiệp Trung (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) chỉ hơn một cái chòi tạm bợ nhờ những bức tường gạch xây (nhưng không đủ tiền để tô trát bên ngoài). Trong căn nhà trống hoác trống huơ ấy, mấy tháng nay hai chị em Trinh vượt qua nỗi đau thương và sự sợ hãi để bao bọc lẫn nhau.
Lê Vũ Hoài Trinh khát khao được đi học để chăm lo cho em mình, làm người có ích cho xã hội
Tất cả đều ra đi, hai chị em ở lại….
Không có chồng, bà T., mẹ Trinh, quần quật làm lụng để nuôi hai con gái nhỏ. Nghèo khó bủa vây, tiếng cười ba mẹ con vẫn đầy ắp trong tổ ấm của mình.
Cách đây gần 9 tháng, bà T. dậy sớm quét sân, rồi đột ngột quỵ xuống và ra đi không kịp trăng trối với con điều gì. Lúc đó, Trinh đang chuẩn bị thi kết học kỳ 1 của năm học cuối cấp THPT. “Em không tin mình mất mẹ. Mẹ 50 tuổi, có bệnh tim, nhưng nhà khổ quá nên mẹ không đi khám chữa. Cú sốc quá lớn khiến em gần như không nghĩ ngợi được gì vào thời điểm đó” – Trinh bần thần nhớ lại.
Không cha, mất mẹ, hai chị em Trinh như những cánh cò non chấp chới giữa giông gió cuộc đời. Trinh nói những ngày đó không biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu, lấy gì để sống khi mới 18 tuổi đầu phải trở thành “chủ nhân” bất đắc dĩ trong căn nhà trống trước hở sau đầy nguy hiểm như vậy.
Trinh nói mỗi tối, nghe một tiếng động lạ cũng làm em sợ hãi, thao thức không dám ngủ. Những lúc đó, Trinh chỉ biết ngồi dậy, thắp hương lên bàn thờ mẹ, cầu nguyện được bảo bọc an yên.
Thương cháu, ông ngoại già yếu của Trinh đạp xe đến ở vào mỗi tối để với hai đứa cháu côi cút đỡ sợ hãi. Nhưng mới đây, ông ngoại đã qua đời vì tuổi cao sức yếu. Ngôi nhà nhỏ ấy tiếp tục cảnh lắng lo, buồn bã.
Không còn mẹ, Trinh vừa làm chị, vừa làm cha mẹ cho đứa em gái nhỏ. Hàng ngày Trinh đi học, ra về thì ghé chợ mua bó rau, con cá về nấu nướng chị em ăn cả ngày. 2 con ngỗng mẹ nuôi, giờ chị em Trinh chăm sóc để có trứng cải thiện bữa ăn.
“Những ngày đầu mẹ mất, hai chị em chẳng có tiền bạc gì, chỉ ăn rau muống luộc với cơm chan nước mắm” – Trinh tâm sự.
Đạt thành tích đáng nể trong nghịch cảnh của cô nữ sinh cần tiếp sức đến trường
Mấy tháng qua, hai chị em Trinh đùm bọc lẫn nhau, vừa lo hương khói cho mẹ, vừa lo cuộc sống, học tập. Khi trò chuyện, nữ sinh này nói rằng những ngày mẹ và ông ngoại còn sống luôn nói với em phải cố gắng học đến nơi đến chốn, cho dù có như thế nào cũng phải là người có ích cho xã hội.
“Em đặt quyết tâm, dù cực khổ đến mấy cũng phải cố gắng vào đại học, phải học tốt để ra trường, có trình độ mới có thể xóa bỏ phận nghèo khó” – Trinh bày tỏ. Trong ánh mắt của em như có ngọn lửa của ý chí khát khao vươn lên.
Có lẽ vì vậy, kết quả học tập của Trinh cuối năm 12 vừa rồi thật đặc biệt. Nếu 2 năm lớp 10 và 11, Trinh chỉ đạt học lực khá, thì năm 12 – khi có hàng loạt biến cố lớn xảy ra trong đời, em lại đạt học sinh giỏi.
Và mong ước của nữ sinh mồ côi này thành hiện thực khi mới đây, em được thông báo đã đỗ vào ngành kế toán của Trường đại học Thái Bình Dương (Khánh Hòa).
Gặp chúng tôi trong căn nhà rách nát, nụ cười đã trở lại trên môi của Trinh.
Để Trinh yên tâm chuẩn bị vào giảng đường đại học, người thân của em đã bàn bạc và quyết định chuyển bàn thờ của mẹ Trinh về thờ phụng chung với ông ngoại tại nhà ngoại. Đây cũng là nơi mà em gái của Trinh sẽ ở lại trong những ngày chị đi học xa.
Dù vậy, Trinh vẫn đau đáu nỗi lo, đó là chuyện tiền nong để học tập và sinh hoạt khi xa nhà trọ học đại học sắp tới. Em rất mong được tiếp sức đến trường, nuôi giấc mơ học tập và thực hiện lời nhắn nhủ của ngoại, của mẹ.
Khi mẹ mất, hai chị em không có đồng tiền nào. Tiền phúng viếng đều được sử dụng hết để lo hậu sự cho mẹ. Sau đó, biết hoàn cảnh hai chị em quá khó khăn, một số mạnh thường quân đã giúp đỡ, cho tiền, cho quà, nhờ vậy mà đời sống của hai chị em cũng bớt ngặt nghèo. Nhưng để có tiền trang trải cho việc học đại học mấy năm trời là một thách thức rất lớn đối với Trinh, nhất là khi cậu, dì cũng toàn những gia đình nghèo khó.
Em cho biết hiện cũng chỉ mong khi vào đại học, ổn định chỗ ở là kiếm việc làm thêm để có chút đỉnh thu nhập để trang trải…
“Tận đáy lòng em chân thành cảm ơn và không thể nào quên được tình cảm của những tấm lòng đã cưu mang em và em gái trong những tháng ngày bơ vơ giữa cuộc đời. Em hứa sẽ cố gắng học, để sau này có tiền nuôi em gái và giúp đỡ lại những hoàn cảnh giống em” – Hoài Trinh nói.
Tấm lòng của thầy hiệu phó
Chứng kiến hoàn cảnh cơ cực của học trò, thầy Nguyễn Bảo Toàn – phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh (phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) – đã tìm cách cưu mang, giúp đỡ. Thầy Toàn cho hay, bà T. mất để lại khoản nợ mấy chục triệu đồng trong ngân hàng. Thầy nhờ chính quyền hỗ trợ để khóa khoản vay này, từ từ tìm cách “giải” sau.
Tiếp đó, thầy Toàn liên hệ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, lên Facebook kêu gọi các cựu học sinh đóng góp để hỗ trợ cho chị em Lê Vũ Hoài Trinh. Nhờ đó, chị em Trinh đỡ ngặt nghèo sau khi mẹ mất. Nghe Trinh tâm sự đêm hôm có ai đó gõ cửa làm chị em sợ chết điếng, thầy Toàn lại nhờ chính quyền và công an hỗ trợ để chị em Trinh được an toàn.
Những ngày học kỳ 2 lớp 12, Trinh cứ băn khoăn bày tỏ với thầy Toàn là không biết chọn ngành, chọn nghề nào để phù hợp cho việc học, vừa có thể làm thêm kiếm sống, vừa có thể về thăm em khi có việc cần. Thầy Toàn đã tìm hiểu, định hướng để em chọn trường học cho phù hợp; đồng thời thầy kết nối với Trường đại học Thái Bình Dương để trường hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho Trinh…
“Tôi coi Trinh như con nên cố gắng giúp đỡ em trong khả năng của mình. Chúng ta không thể làm ngơ trước những thân phận khó khăn nhưng đầy ý chí vươn lên như vậy.
Song, thực lòng mà nói, nếu một mình tôi thì khó có thể hỗ trợ cho Trinh trong suốt những năm tháng tới. Tôi nghĩ những người có tấm lòng nhân ái sẽ cùng chung tay với tôi để giúp em ấy. Tôi mong báo Tuổi Trẻ trao cho Trinh một suất học bổng “Tiếp sức đến trường” để em thêm vững bước vào giảng đường”, thầy Toàn cho hay.
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học, và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Hồ sơ ứng tuyển học bổng sẽ được xét chọn thông qua hai bước. Bước 1, tân sinh viên hoặc người giới thiệu cần điền đầy đủ thông tin về ứng viên tại địa chỉ theo mẫu thông tin có sẵn do ban tổ chức quy định. Bước 2, ban tổ chức sẽ phỏng vấn trực tuyến hoặc phối hợp cùng địa phương xác minh trong một số trường hợp đặc biệt.
Ngoài ra, các đơn vị, tổ chức Đoàn – Hội các nơi cũng có thể giới thiệu tân sinh viên khó khăn để xem xét nhận học bổng này tại địa chỉ dưới đây. Hạn chót tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến vào ngày 20-9.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP Phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Để ủng hộ cho chương trình, xin vui lòng chuyển qua tài khoản: Báo Tuổi Trẻ: 113000006100 tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Hoặc đóng góp trực tiếp tại Phòng tiếp bạn đọc: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, và các văn phòng đại diện của báo trên cả nước.
Tiếp sức đến trường 2024: Gần 20 tỉ đồng giúp tân sinh viên vượt khó